Bảo tàng nghệ thuật với gần 1.500 tác phẩm quý giá
Điều lạ lùng ở đây là từ nhân viên tới lãnh đạo của bảo tàng đa phần đều có một sự gắn bó với Viện bảo tàng nghệ thuật Menard tới khó tin, 30 năm thành lập cũng là 30 năm bà giám đốc và cộng sự đã làm việc ở đây.
Chia sẻ cùng chúng tôi nữ giám đốc viện Bảo tàng nghệ thuật Menard cho hay, bà may mắn từ nhỏ đã sinh sống ở Komaki, Aichi và mơ ước được làm việc ở bảo tàng là điều không thể tuyệt vời hơn. Vì theo bà, quan điểm về vẻ đẹp đích thực cũng như là tác phẩm nghệ thuật đẹp, chân thật và bà cũng muốn mang tâm niệm đó lan toả tới cộng đồng.
Bảo tàng Nghệ thuật Menard được thành lập vào năm 1987, xuất phát từ mong muốn nâng cao nhu cầu thẩm mỹ cho người thưởng thức, đặc biệt là muốn đem lại cho mọi người cảm nhận về vẻ đẹp đích thực của cuộc sống được toát ra từ các tác phẩm nghệ thuật, hãng mỹ phẩm Menard đã lập nên bảo tàng nghệ thuật đặc biệt này. Bảo tàng với người sáng lập là ông Nonogawa Daisuke và vợ của ông bà Mitsuko. Trong suốt nhiều năm tiếp cận và sưu tập nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá từ trong nước và thế giới, đã làm nền tảng cho Viện bảo tàng nghệ thuật Menard.
Hiện Bảo tàng Nghệ thuật Menard có gần 1500 tác phẩm quý giá (bao gồm tranh, bản in và điêu khắc và khoảng 500 thủ công mỹ nghệ và cổ vật) và hàng năm bảo tàng tổ chức nhiều chuyên đề triển lãm khác nhau. Thông thường có khoảng 60-70 tác phẩm để tạo nên tâm điểm của một chuyên đề triển lãm dưới các góc nhìn khác nhau. Khi chúng tôi tới, may mắn chuyên đề “Hoa trong cuộc sống” (cuối tháng 5/2017) được giới thiệu tới du khách.
Có người nói với tôi rằng, để tận hưởng một ngày tươi mới, nhiều người Nhật đã nhìn cuộc sống bằng con mắt “mỗi buổi sáng mở cửa, hãy nhìn ra ngoài, mỗi cành cây ngọn cỏ cũng chứa đựng sự tươi mới trong đó”. Lẽ sống là vậy. Lẽ đẹp cũng là vậy.
Bảo tàng Menard - bước chân vào bên trong bạn có thể ngộp thở vì nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện ra trước mắt bạn, từ tác phẩm của tác giả Nhật Bản như: Kumagai Morikazu (1880 -1977), Hashimoto Meij (1904-1991) Murakami Kagaku (1888 -1939) với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Hoa mẫu đơn đỏ, Trang bình phong, Silver fan... Tới nhiều tên tuổi trứ danh trên thế giới mà chỉ nghe nhắc tới có người đã “vã mồ hôi” vì không ngờ may mắn được thưởng thức tác phẩm đích thưc ở Bảo tàng Menard như: tác phẩm Child with a Straw Hat của danh hoạ Paul Cézanne(1839-1906); tác phẩm Reading Woman của danh hoạ Pierre-Auguste Renoir (1841-1919); tác phẩm End of the Day (after Millet); Plaster Statuette of a Female Torso của danh hoạ Vincent van Gogh (1853-1890)...
Sự choáng ngợp của vẻ đẹp có thể làm người ta nghi hoặc, thậm chí đặt câu hỏi tại sao một hãng mỹ phẩm lại “đầu tư” một viện bảo tàng nghệ thuật như thế này? Câu trả lời chỉ có thể là sự thấu hiểu và mong muốn đem lại cho mọi người, đặc biệt là phái đẹp một cơ hội được tiếp cận và được cảm nhận vẻ đẹp đích thực - thông điệp xuyên suốt của hãng mỹ phẩm Menard xây dựng nên suốt gần 60 lịch sử ra đời và mang tới trải nghiệm cho người yêu thích cái đẹp.
Chiêm ngưỡng những vẻ đẹp đích thực
Viện bảo tàng nghệ thuật Menard với kiểu thiết kế tạo ra một không gian mở, gần gũi với tự nhiên, tinh tế nhằm giúp du khách có thể đánh giá cao nghệ thuật trong một một trường thoải mái nhất. Ở lối vào bảo tàng là một tấm bia đá với họa tiết của họa sĩ người Nhật Bản Kayama Matazo, và phía sau một khu vườn phía trước rộng mở và tươi tắn là tòa nhà bằng đá granite mạnh mẽ, tạo ra không khí thoải mái...
Đặc biệt ấn tượng không thể nào không nhắc tới bảo tàng nghệ thuật Menard chính là tác phẩm nổi tiếng Rider Rider (the Town's Guardian Angel) (tạm dịch là Người cưỡi ngựa) được đặt trước lối vào gian trưng bày của bảo tàng. Tác phẩm đặc biệt này là của Marino Marini (1901-1980) - cũng là tác phẩm đặt tại Viện bảo tàng nghệ thuật Menard từ suốt 30 năm qua, được coi là “thiên thần hộ mệnh nơi đây”. Tác phẩm là niềm tự hào, “từ khoá” khi tới bảo tàng đặc biệt này.
Cũng ở cửa vào bảo tàng, du khách cũng sẽ bắt gặp công trình kỷ niệm (sonmon no hi) tưởng nhớ bà Nonogawa Mizuko Nonogawa, phu nhân của ông Daisuke Nonogawa, người đã dành nhiều tâm huyết và góp công lớn để có được bảo tàng nghệ thuật quý giá Menard. Bà đã mất 3 tháng trước khi bảo tàng nghệ thuật ra mắt. Ông Junichi Nonogawa - chủ tịch hãng hiện nay, cũng là một trong những người con của ông Daisuke Nonogawa cũng đã được chính phủ Pháp trao huy chương hiệp sỹ về Văn học và nghệ thuật vì những đóng góp của ông cho sự phát triển văn hoá nghệ thuật.
Không chỉ trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Menard, rất nhiều tác phẩm quý giá ở đây cũng đã được “cho mượn” trưng bày ở một số nước, vì theo người quản lý ở đây thì họ sẵn sàng chia sẻ, bởi đó cũng là cơ hội để các tác phẩm đích thực tới được công chúng yêu hội hoạ nói riêng và yêu cái đẹp trong đời sống nói chung. Bảo tàng cũng tự hào với lượng khách tới thăm hàng năm, năm ngoái, Nhật hoàng và hoàng hậu Nhật Bản cũng đã tới đây thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật.
Tôi lại nhớ cái thanh bình buổi sáng nắng khiêm nhường ở viện bảo tàng nghệ thuật Menard - Nhật Bản hôm đó. Hướng dẫn viên nở nụ cười rất tươi, cô nhỏ bé đi lại nhẹ nhàng, nói khẽ khàng, cô đưa vào tay mỗi người 1 cái bút chì và 1 tờ giấy, để ai đó cần có thể ghi chép lại. Bên trong gian trưng bày, chừng như tiếng thở cũng thật nhẹ, bởi có thể ai đó đang muốt mải trước tác phẩm trứ danh mà họ đang có dịp chiêm ngưỡng tại đây, đừng làm phiền người yêu cái đẹp!
Tác giả: Trần Ngọc Lan
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn