Thực chất, AFF Cup chỉ có những trận đấu của đội tuyển Việt Nam là đáng theo dõi với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Tức là chỉ gồm 4 trận vòng bảng, 2 lượt trận bán kết và 2 lượt trận chung kết. Tổng cộng 8 trận cho cả giải đối với người hâm mộ trong nước, trong trường hợp đội tuyển Việt Nam tiến đến trận cuối cùng. Các trận đấu của những đội khác, có khi người hâm mộ trong nước không quan tâm.
Tuy nhiên, ngay cả khi các trận đấu của đội tuyển Việt Nam là đáng theo dõi, thì mức giá 5 triệu USD (khoảng 115 tỷ đồng) cho vỏn vẹn 8 trận đấu có đội tuyển Việt Nam (bình quân hơn 14 tỷ đồng/trận) ở giải khu vực cũng là quá đắt đỏ.
Cũng nên biết rằng trong số 8 trận đấu ấy, không phải trận đấu nào cũng có trận có tính cạnh tranh cao, đáng để chi tiền để xem. Ví dụ như ở vòng bảng, đội tuyển Việt Nam kiểu gì cũng phải gặp một hoặc hai trong số các đội yếu gồm Timor Leste, Campuchia, Lào, hoặc Brunei.
Các trận đấu nếu đội tuyển Việt Nam gặp các đối thủ dạng này, mà phải mua quyền phát sóng lên đến hơn 14 tỷ đồng thì phí, quá phí!
Đó là chưa tính đến khả năng toàn bộ AFF Cup 2020 gồm hầu hết các trận thiếu tính cạnh tranh, trong trường hợp Thái Lan, Philippines và cả Malaysia nữa không dự giải, hoặc dự giải với đội hình trẻ, thậm chí là U21.
Mà khả năng này lại là khả năng cực cao. Thai-League đã chính thức công bố lịch thi đấu song song với AFF Cup 2020 vào cuối năm, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đã xác nhận không thể nào gom lực lượng tốt nhất dự AFF Cup trong bối cảnh ấy, vì những cầu thủ tốt nhất của bóng đá Thái Lan dĩ nhiên phải làm nhiệm vụ với CLB – nơi trực tiếp trả lương cho họ hàng ngày, chứ không có nghĩa vụ phải tham gia AFF Cup vốn nằm ngoài hệ thống thi đấu của FIFA.
Đội tuyển Philippines cũng lâm vào tình trạng tương tự, bởi hiện có gần… 20 cầu thủ Philippines đang đá bóng chuyên nghiệp tại Thai-League. Chưa kể số cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu và Bắc Mỹ - ở những quốc gia vốn chẳng quan tâm, hoặc chẳng cần biết AFF Cup là giải đấu như thế nào? – Nên tin rằng họ chẳng chịu nhả cầu thủ Philippines cho giải vô địch Đông Nam Á.
Malaysia thì đang lưỡng lự giữa chuyện tham dự hay không tham dự AFF Cup 2020, một là vì họ chưa biết giải vô địch quốc gia có đá vắt ngang AFF Cup hay không? Hai là cầu thủ Malaysia có bị dồn lịch tham dự vòng loại World Cup, khi tham dự AFF Cup?
Thử hình dung, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á mà không có Thái Lan, Philippines, Malaysia, hoặc có nhưng các đội này chỉ sử dụng đội hình trẻ, tham dự cho đủ tụ, thì còn gì là tính cạnh tranh?
Đội tuyển Việt Nam khi đó thật sự còn những đối thủ nào? – Trong bối cảnh mà Singapore giờ cũng chẳng mấy mặn mà với chuyện thành tích ở AFF Cup, trong khi Myanmar vài chục năm nay không làm nên nổi chuyện lớn!
5 triệu USD cho bản quyền phát sóng giải đấu như thế, liệu có đáng không?
Và vì sao giá bản quyền phát sóng bóng đá quốc tế cứ tăng chóng mặt trên thị trường Việt Nam, cũng phải xem lại tâm lý và tâm thế của các nhà đài trong nước khi đàm phán. Việc chúng ta thường xuyên mua bản quyền bằng mọi giá khiến cho các đối tác nước ngoài nhận thấy sự béo bở của thị trường này, trước khi thoải mái tăng giá.
Mua rất đắt – bán rất rẻ, cũng là tình trạng xuất hiện gần đây của việc kinh doanh bản quyền phát sóng thể thao nói chung và bóng đá nói riêng tại Việt Nam.
Còn nhớ, tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, cách nay ít tháng, có đơn vị khai thác quyền phát sóng liên quan đến các trận đấu của đội tuyển Việt Nam, khi bán chính các trận đấu này ra nước ngoài, số tiền chào bán chỉ bằng… 1/10 số tiền buộc phải mua lại quyền phát sóng từ phía đối tác.
Phương pháp kinh doanh kỳ lạ này xuất phát từ năng lực kinh doanh? Từ nhu cầu thị trường? Do tâm lý hay vì lý do gì khác nữa?
Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn