Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 diễn ra sáng ngày 2/2 tại Hà Nội; một lần nữa việc có nên tổ chức các lễ hội chọi trâu hay không làm “nóng” không khí hội trường với ý kiến trái chiều và nhận được nhiều sự quan tâm của báo giới.
Ông Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Tuyên Quang giải thích rõ rằng lễ hội chọi trâu ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang là lễ hội có cấp phép. Ông cũng thẳng thắn nêu ý kiến rằng, bản chất các lễ hội chọi trâu là như nhau và không đồng tình với việc nơi thì cấm tổ chức, nơi thì được vinh danh là di sản.
“Bản chất của lễ hội chọi trâu là hai con trâu chọi nhau. Lễ hội chọi trâu Tuyên Quang và lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bản chất là như nhau, vậy tại sao nơi được công nhận nơi thì không? Ngay cả Đồ Sơn cũng tìm đến Chiêm Hóa để mua trâu về chọi, vậy dựa vào đâu để nói lễ hội chọi trâu Tuyên Quang thiếu tính truyền thống, bạo lực và phản cảm hơn?”, ông Nguyễn Vũ Phan nói.
Theo ông Nguyễn Vũ Phan, với các lễ hội bị cho là phản cảm, như lễ hội chọi trâu Tuyên Quang thì phải có văn bản hướng dẫn cụ thể. “Chúng tôi mong Bộ ra văn bản chính thức, cụ thể về việc không tổ chức các lễ hội đã được cấp phép, để chúng tôi giải thích rõ với người dân. Chứ nếu cứ nói lễ hội phản cảm, không được tổ chức thì người dân không đồng tình”, ông Phan nói thêm.
Lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh Tuyên Quyên mong mỏi văn bản chỉ đạo cụ thể từ Bộ vì hiện tại, đã có hàng trăm con trâu tập trung tại khu vực tổ chức lễ hội chọi trâu hàng năm. “Cứ tháng 10 hàng năm, người dân đã chuẩn bị chọi trâu. Bà con đợi ăn Tết xong là tổ chức lễ hội…”, ông Phan giải thích.
Liên quan đến lễ hội chọi trâu, Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Yên Bái cho biết từ năm 2016 trở về trước, tại tỉnh có lễ hội treo đầu trâu (ở Đông Cuông). Nhưng kể từ năm 2017, có chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, lãnh đạo Sở VH,TT&DL Yên Bái tích cực vận động nhân dân, giải thích để người dân hiểu và thay đổi cách thức thực hành các lễ hội có tính phản cả và đã có 7 địa phương bỏ tổ chức chọi trâu trong năm. Trong năm 2018, tỉnh Yên Bái cam kết sẽ không còn địa phương nào tổ chức lễ hội chọi trâu.
Ngoài Yên Bái, lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; 90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam bỏ tục đâm Trâu...
Về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gây tranh cãi, lãnh đạo Sở VH, TT&DL Hải Phòng thừa nhận bên cạnh những yếu tố đạt được, tích cực của lễ hội tâm linh thì lễ hội Đồ Sơn vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, năm vừa qua đã để xảy ra việc trâu húc chủ gây ồn ào dư luận.
BTC lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hứa hẹn trong năm 2018, sẽ siết chặt an ninh, gia cố hàng rào bảo vệ sân đấu… Lễ hội năm nay không tổ chức vòng đấu loại, chỉ diễn ra vòng chung kết và sẽ chú ý hơn tới phần lễ….
Trước ý kiến đại diện các địa phương xoay quanh lễ hội chọi trâu, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định chỉ công nhận lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Còn các lễ hội chọi trâu phi truyền thống khác không nên tổ chức vì tính phản cảm, bạo lực…
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, lễ hội truyền thống có ý nghĩa tốt đẹp mới được công nhận là di sản văn hóa. Còn lại những lễ hội chọi trâu biến tướng, kích động bạo lực và phản cảm không được tổ chức.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, lễ hội chọi trâu phản cảm ở chỗ: trâu chọi xong bị đem đi mổ thịt; nhiều địa phương biến trường học, thư viện, cơ quan chính quyền thành nơi xẻ thịt trâu bán; bán vé thu tiền là vi phạm quy định bên cạnh đó còn hiện tượng cá cược gây bất ổn trên địa bàn…
“Nếu Bộ VH, TT&DL không quyết liệt thì gần như cả nước tổ chức… chọi trâu rồi”, bà Trịnh Thị Thủy thẳng thắn nói. Bà Thủy cũng đề nghị cơ quan quản lý các địa phương tích cực tuyên truyền giá trị tốt đẹp, khơi dậy giá trị nhân văn của lễ hội; đồng thời có biện pháp xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm.
Trước đó, ngày 29/12/2017; Bộ VH, TT&DL vừa có văn bản gửi các sở VH,TT&DL yêu cầu tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Mậu Tuất. Theo đó, các cơ quan đơn vị thuộc ngành cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội bảo đảm không để xảy ra các hiện tượng phản cảm như tranh cướp lộc, mê tín dị đoan, cờ bạc... Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân ái của dân tộc; không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống.
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn