Nhìn qua danh sách các di tích, danh lam thắng cảnh trên Quốc lộ (QL) 217, có thể thấy con đường du lịch này quan trọng thế nào, bởi nó hội tụ đủ các yếu tố văn hóa từ di tích Quốc gia đặc biệt đến di sản văn hóa thế giới, danh lam thắng cảnh thiên nhiên.
Tuyến đường bắt đầu từ TP Thanh Hóa đến di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu (huyện Hậu Lộc), Danh thắng Kim Sơn (xã Vĩnh An), chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thịnh), di tích lịch sử Phủ Trịnh - Nghè Vẹt - Khu lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng (xã Vĩnh Hùng) - di tích lịch sử đền thờ và bia ký Trịnh Khả (xã Vĩnh Hòa), di sản thế giới Thành Nhà Hồ (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc), suối cá Thần (huyện Cẩm Thủy), thác Muối, thác Hiêu, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước), qua nước bạn Lào tại cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (huyện Quang Sơn).
Danh thắng “kêu cứu”
Danh thắng Quốc gia Kim Sơn thuộc 3 xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh An, Vĩnh Minh (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Được bao bọc bởi 29 ngọn núi đá vôi, trải dài khoảng 3.000 m, cao hơn 500 m thuộc dãy núi Bền. Danh thắng này có một hệ thống hang động tuyệt đẹp dài khoảng 2 km được người dân phát hiện vào năm 1919. Hiện trên vách đá trong các hang động còn lưu lại gần 20 bài thơ ca ngợi núi và hang động Kim Sơn của các văn nhân ngày trước. Năm 2009, Kim Sơn được công nhận là Danh thắng Quốc gia.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây danh thắng này “đang bị” bức tử và có nguy cơ bị xóa sổ trong nay mai bởi hoạt động khai thác đá tràn lan tại khu vực này. Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Thanh Hóa, bao quanh danh thắng Kim Sơn hiện có 7 mỏ đá đang khai thác. Những mỏ này được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép trên 25 năm. Ngoài ra, hiện có rất nhiều doanh nghiệp có từ trình xin phép được thăm dò, khai thác đá, trong đó có diện tích gần 50 ha vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao về cho UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý. Diện tích trên nằm sát với danh thắng Kim Sơn.
Theo Đại đức Thích Tĩnh Hải, trụ trì chùa Linh Ứng, việc nổ mìn phá đá gây rung lắc mạnh, ảnh hưởng đến di tích và cảnh quan danh thắng Kim Sơn. “Cách đây không lâu, một khối đá lớn từ trên đỉnh núi bất ngờ đổ ập xuống khuôn viên nhà chùa nhưng rất may không ai ra khu vực đó. Nhà chùa rất mong ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa quy hoạch khai thác đá hợp lý để bảo vệ được danh thắng, bảo đảm an toàn cho du khách khi đến vãn cảnh” - trụ trì chùa Linh Ứng nói.
Cách núi Bền không xa, ngay tại dãy núi Ác Sơn (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung), tai khu vực Cồn Cổ Ngựa (dưới chân núi Ác Sơn) các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Đa Bút thời đá mới (các đây khoảng 3.000 năm). Đặc biệt, vào năm 2013 Viện khảo cổ học Việt Nam và Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã tiến hành khai quật và phát hiện tại nhiều hố đào có tới 70 di tích mộ táng cổ với trên 70 cá thể.
Là một di chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, khảo cổ nhưng hiện nay trên triền núi Ác Sơn “xuất hiện” 2 mỏ khai thác đá được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép, khiến cho di chỉ khảo cổ này ít nhiều bị ảnh hưởng. Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa trước đó cũng có văn bản không đồng ý cấp phép mỏ khai thác đá, đất tại đây, tuy nhiên tham vấn trên của Sở không được chấp nhận.
“Nhăm nhe” xâm hại di tích Bà Triệu
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã có hàng loạt các tham vấn gửi tới các ngành chức năng để bảo vệ Di tích Quốc gia đặc biệt Khu di tích Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc). Đây là 1 trong 4 di tích Quốc gia đặc biệt của tỉnh này gồm: Thành Nhà Hồ (di sản văn hóa thế giới - di tích đặc biệt), Quần thể di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc), hang Con Moong (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) và Khu di tích Bà Triệu.
Theo đó, vào ngày 21/5/2015 Sở VH-TT-DL đã có cuộc kiểm tra và nhận thấy trên địa bàn xã Triệu Lộc và Châu Lộc đang có 4 công ty được cấp mỏ khai thác đất, đá. Dù không nằm trực tiếp trong vùng bảo vệ di tích, tuy nhiên vị trí khai khoáng của Công ty cổ phần Dầu khí An Lộc nằm liền kề, tiếp giáp với khu vực bảo vệ II với di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu; Công ty TNHH Thành Nam nằm gần khu vực bảo vệ II của khu lăng mộ Bà Triệu đến di tích danh thắng đền Hàn Sơn (xã Châu Lộc)…
Từ thực tế trên, Sở này nhận thấy việc khai thác khoáng sản có ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan, không gian văn hóa, môi trường tự nhiên của khu di tích Bà Triệu. Từ thực tế trên, để bảo vệ phát huy di tích trên địa bàn 2 xã Triệu Lộc và Châu Lộc nói chung và Khu di tích Bà Triệu nói riêng để bảo tồn nguyên trạng cảnh quan, môi trường Sở VH-TT-DL đề nghị dừng hoạt động 2 mỏ khai khoáng trên. Tỉnh Thanh Hóa sau đó cũng đồng ý dừng 2 mỏ này.
Tuy nhiên, trong năm 2016 và 2017, có rất nhiều các doanh nghiệp đã có văn bản xin khai thác đất, đá gần Khu di tích Bà Triệu và vùng lân cận, ít nhiều đã ảnh hưởng đến cảnh quan di tích. Đặc biệt, dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã dừng không cấp mới mỏ khai thác tại 2 xã Châu Lộc và Triệu Lộc, nhưng Công ty cổ phần gạch tuynel FLC - Đò Lèn lại có văn bản khai thác đất tại núi Miễu (xã Châu Lộc) và sau đó được chấp nhận.
Đây là địa điểm mà trước đó Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đề nghị dừng cấp mới để bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích bà Triệu và các di tích trong khu vực. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì ngày 26/7/2016, Sở VH-TT-DL lại có văn bản thống nhất đề nghị của Sở TN-MT xem xét, cấp phép khai thác mỏ đất cho công ty trên và đề nghị công ty trong quá trình khai thác nếu phát hiện được di vật khảo cổ phải kịp thời dừng khai thác báo cáo ngành chức năng để xử lý theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Thực tế tại khu lăng mộ Bà Triệu đứng trên đỉnh núi Tùng, nhìn qua các hướng chúng ta không khỏi xót xa cảnh quan vùng này đang bị phá nham nhở bởi các mỏ đất, đá. “Chúng tôi luôn ủng hộ việc phát triển kinh tế, nhưng cũng cần hài hòa với việc bảo vệ các di tích, danh thắng. Dù các mỏ không nằm trong vùng bảo vệ nhưng cảnh quan, mỹ quan quanh vùng cũng rất quan trọng góp phần không nhỏ nâng cao giá trị của di tích, danh thắng” – một cán bộ Sở VH-TT-DL nêu quan điểm.
(Còn nữa)
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn