Với nhóm đội đầu tư để tranh chấp các vị trí cao như Hà Nội T&T, Thanh Hoá, hoặc B.Bình Dương, con số 40 tỷ đồng dĩ nhiên vẫn chưa đủ. Họ cần nhiều tiền hơn nữa để mua sắm cầu thủ, để tăng quỹ thưởng hòng khích lệ tinh thần toàn đội cho những chiến thắng... Thành ra, con số 600 tỷ kể trên chỉ mới là tạm tính, thực tế hoàn toàn có thể cao hơn.
Nhưng vấn đề là ở chỗ 600 tỷ đồng bỏ ra cho mỗi mùa giải chỉ đổi lại những khán đài trống vắng, đổi lại sự hồ nghi về tính thật – giả của nhiều trận đấu, nhất là các trận đấu ở giai đoạn cuối mùa liệu có đáng không?
Vấn đề khác nằm ở chỗ, bóng đá Việt Nam chi rất nhiều tiền, nhưng chất lượng không tăng. Giải V-League khi mới ra đời cách nay 15 năm từng được đánh giá là hay nhất Đông Nam Á, nhưng giờ ở phía sau khá xa giải Thai-League của Thái Lan.
V-League tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng không giúp cơ sở vật chất phục vụ bóng đá tốt lên, ngược lại các sân bóng mỗi lúc một xuống cấp, khâu vận hành các CLB được gắn mác chuyên nghiệp cũng còn lắm vấn đề, mà vấn đề lớn nhất là hầu hết những người điều hành CLB chỉ biết xài tiền chứ không biết kiếm tiền từ bóng đá.
Giải quốc nội cực kỳ tốn kém nhưng khả năng phát hiện cầu thủ mới cho toàn bộ nền bóng đá cũng không được đánh giá cao.
Bằng chứng là đội tuyển quốc gia từ đợt tập trung lần trước (từ vòng 10) cho đến lần tập trung lần này (đến vòng 26) cách nhau nhiều tháng trời, trải qua đến 16 vòng đấu của giải V-League nhưng danh sách tập trung đội tuyển không mấy biến chuyển. Đội tuyển vẫn gồm nhiều gương mặt cũ mà không cần đến 16 vòng đấu V-League người ta vẫn dễ dàng đọc ra.
Một V-League như thế quả là không còn hấp dẫn trong mắt người hâm mộ cũng như những nhà đầu tư. Không chỉ giá trị tài trợ của V-League kém xa so với giải đấu của người láng giềng Thái Lan là Thai-League, mà giá trị khai thác thương mại của V-League trong mắt các doanh nghiệp cũng không cao.
Khi mà V-League cứ thật thật – giả giả trong mắt người xem, vẫn đầy nghi hoặc xung quanh những tiếng còi của giới trọng tài, và vẫn nhiều hồ nghi về tính sòng phẳng trong cuộc đua đến ngôi vô địch cũng như đua đến vé trụ hạng, thì cũng khó trách các nhà đầu tư không mặn mà với giải đấu.
Có một điều kỳ lạ nằm ở chỗ giá trị của V-League không tăng, chất lượng cơ sở vật chất phục vụ bóng đá không tăng, chất lượng của giải đấu cũng không biến chuyển dẫn đến chất lượng của cả nền bóng đá không tăng trong nhiều năm liên tục, nhưng tiền đổ vào V-League vẫn cứ tăng chóng mặt.
V-League còn nghịch lý ở chỗ thay vì đó là sân chơi của cả nền bóng đá, là sân chơi của đại chúng, lại đang có nguy cơ trở thành sân chơi riêng, mang tiếng bị chi phối của một hoặc một vài ông bầu sở hữu cùng lúc nhiều đội bóng.
Nghịch lý ở chỗ những người điều hành bóng đá nội đụng chuyện có lợi cho họ thường hay mang luật FIFA ra để ngăn chặn sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng hiện tượng “một ông chủ - nhiều đội bóng” là hiện tượng đi ngược lại các nguyên tắc bóng đá chuyên nghiệp do FIFA đặt ra, nhưng những người quản lý nền bóng đá hoàn toàn bó tay.
V-League vì thế vào cuối mùa chỉ là cuộc chạy đua của một – hai ông bầu, trong khi đại bộ phận người hâm mộ lại thờ ơ! Điều đó e rằng không phải là cái kết đẹp, cái kết bền vững cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Dĩ nhiên, đấy là nói đến những người muốn phát triển bóng đá thật sự, không tính những người mượn bóng đá để làm lợi ngoài bóng đá!
Trọng Vũ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn