Đội tuyển Việt Nam từ trước đến nay đã qua rất nhiều đời HLV ngoại, vì ở tầm nhìn chiến lược cũng như thực tế đã diễn ra, chỉ có các HLV ngoại mới giúp Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích hơn sử dụng HLV nội.
Trước khi HLV Park Hang Seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, tính từ năm 2000 đến nay, đội tuyển Việt Nam đã trải qua 7 đời HLV ngoại và 3 lần là HLV nội dẫn dắt. Trong các bản hợp đồng HLV ngoại thì không phải HLV nào cũng tốt, phù hợp với bóng đá Việt Nam. Những cái tên như HLV Dido, Tavares người Brazil, HLV Letard người Pháp, hay Falko Goetz người Đức là những bản hợp đồng thất bại.
Tuy nhiên, HLV Riedl, Calisto hay HLV Miura thực sự là những bản hợp đồng có chất lượng, đã mang đến luồng gió mới đầy sinh khí cho bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ.
Ông Riedl đã 3 lần mang huy chương bạc SEA Games về cho bóng đá Việt Nam, cũng đã từng một lần đưa bóng đá Việt Nam vào đến tứ kết Asian Cup năm 2007. Ông Miura giúp tuyển Olympic Việt Nam giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp ASIAD 17 tại Hàn Quốc, đưa tuyển Việt Nam tới bán kết AFF Cup 2014, cùng U23 Việt Nam giành HC đồng SEA Games 28 và lần đầu tiên trong lịch sử có vé dự vòng chung kết U23 châu Á.
HLV Calisto lại là người có công giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên vô địch giải đấu AFF Cup năm 2008, cùng U23 Việt Nam giành huy chương bạc SEA Games 2009…
Còn 3 đời HLV nội của Việt Nam là các HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Thanh Phúc hay mới nhất là HLV Nguyễn Hữu Thắng chỉ để lại những dấu mốc đáng quên của đội tuyển Việt Nam. Được kỳ vọng nhiều nhưng HLV Hữu Thắng liên tiếp gây thất vọng ở 2 giải đấu lớn là AFF Cup 2016 và SEA Games 2017.
U22 Việt Nam với lứa cầu thủ gồm Quang Hải, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Công Phượng, Xuân Trường đã bị loại từ vòng bảng SEA Games năm ấy dưới sự dẫn dắt của HLV Hữu Thắng.
Và thật ngạc nhiên cũng những con người ấy, khi đến tay HLV Park Hang Seo thì họ vụt tỏa sáng, gặt hái hết thành công này đến thành công khác: Á quân U23 Châu Á năm 2018, lọt vào bán kết Asiad 2018, vô địch AFF Cup, giành quyền vào vòng chung kết U23 Châu Á năm 2020…
Rõ ràng, dùng HLV ngoại đã mang đến chất lượng, diện mạo khác hẳn cho đội tuyển Việt Nam, thì tại sao ở cấp chiến lược, lâu dài, VFF hay những người làm bóng đá Việt Nam lại hầu như không quan tâm mời gọi, tìm kiếm các cầu thủ “ngoại binh” mang dòng máu Việt có chất lượng tốt để bổ sung vào đội tuyển Việt Nam.
Rõ ràng bao nhiêu năm qua, ai cũng thấy các nước lân cận như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay gần đây nhất là Philippine đã sử dụng ngoại binh để giúp đội tuyển của họ trở nên hùng mạnh, để gặt hái nhiều thành công trong các cuộc chinh chiến khu vực Đông Nam Á nói riêng, Châu Á nói chung.
Một đội tuyển Phillippine từ trước đến nay chỉ được xem là đội lót đường, thậm chí là “mồi ngon” cho đội tuyển Việt Nam để giành lấy 3 điểm ở vòng bảng các giải đấu, thì nay đã lột xác và trở thành “kỳ phùng địch thủ” nhờ họ bổ sung các ngoại binh “Phi kiều” rất chất lượng từ các nước trở về phục vụ quốc gia.
Một “đảo quốc” như Singapore với số lượng chỉ gần 6 triệu người, nhưng họ biết chiêu mộ nhân tài khắp nơi đã giúp đội tuyển quốc gia của họ 4 lần vô địch bóng đá Đông Nam Á.
“Bây giờ chúng ta mới nghĩ đến việc bổ sung ngoại binh Việt kiều là quá chậm. Lẽ ra VFF phải làm việc này từ lâu rồi, làm một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy mô tổ chức, đừng để mất hoặc lãng phí những tài năng vốn đã xảy ra như trường hợp Lee Nguyễn, cầu thủ người Mỹ gốc Việt là một ví dụ”, HLV Nguyễn Thành Vinh chia sẻ với PV .
HLV Nguyễn Thành Vinh cũng tin rằng, việc HLV Park Hang Seo lên đường sang Châu Âu xem giò các cầu thủ Việt kiều như Alexander Đặng ở Na Uy, Kelvin Bùi ở Hà Lan, Jason Pendant ở Pháp, Filip Nguyễn ở CH Séc là một tín hiệu rất tốt trong giai đoạn đội tuyển Việt Nam cần những nhân sự có chất lượng bổ sung cho đội tuyển để giành lấy những danh hiệu cao hơn như SEA Games 30 diễn ra tại Philippine vào tháng 12 tới, hay giành suất lọt vào Vòng chung kết World Cup 2022 tại Qatar.
Thế Nam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn