1/ Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội nghị góp phần chỉ ra hàng loạt yếu kém của bóng đá Việt Nam, từ việc thiếu mục tiêu, không thực hiện mục tiêu, cho đến chuyện bóng đá nội hầu như đi ngược lại với thông lệ quốc tế. Và thay vì nhìn nhận yếu kém của mình, yếu kém về bộ mặt của nền bóng đá thông qua thành tích kém của đội tuyển quốc gia, yếu kém về nền tảng thông qua chất lượng kém của giải V-League, thói quen của những nhà quản lý bóng đá là dùng thành tích của một vài đội trẻ, hoặc của bóng đá nữ để khoả lấp yếu kém đấy. Dĩ nhiên, quan điểm làm việc nọ cũng không nhận được sự đồng tình từ phía hội nghị.
2/ Đội tuyển U22 Việt Nam thất bại tại SEA Games 29. Đội thể thao được kỳ vọng nhất trong năm, được đầu tư nhiều nhất trong năm của không chỉ nền bóng đá Việt Nam, mà còn của toàn bộ nền thể thao lại thất bại ở giải đấu được mong chờ nhiều nhất. Bóng đá Việt Nam thêm một lần nữa lỗi hẹn với SEA Games, nâng số năm liên tiếp mà chúng ta không đoạt HCV ở giải đấu này lên con số… 58. Đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng bị loại theo cách ê chề nhất: Rời cuộc chơi ngay sau vòng bảng, không thắng trận nào ở các cuộc đấu với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
3/ Giải V-League lộn xộn, nhiều sự cố nhưng vắng khán giả. Càng về các năm sau này, V-League càng vắng người xem, khiến cho nhà tài trợ chính của giải đã chọn cách rút lui vì không nhìn thấy được sức hút của giải đấu. Sức hấp dẫn của V-League kém, tính cạnh tranh kém khiến cho hầu hết các cầu thủ Việt Nam khi trưởng thành không có môi trường tốt để rèn luyện bản lĩnh và nâng cao năng lực. Điều đó cũng giải thích lý do tại sao các đội bóng Việt Nam có thể gây tiếng vang ở các giải trẻ, nhưng cũng lực lượng ấy khi lên đến đỉnh cao, khoác áo đội tuyển quốc gia lại kém hơn các đồng nghiệp cùng trang lứa ở các nước. Cũng tại V-League, đội vô địch giải đấu là CLB Quảng Nam không được AFC cho phép tham dự AFC Champions League vì không đủ tiêu chuẩn, khiến người hâm mộ giật mình với thực tế bóng đá Việt Nam lâu nay toàn làm trái thông lệ quốc tế!
4/ Đội tuyển bóng đá nữ giành HCV SEA Games 29. Đấy có lẽ là điểm sáng hiếm hoi của bóng đá Việt Nam trong năm. Nhưng niềm vui của bóng đá nữ chắc chắn không bao giờ khoả lấp được nỗi buồn thất bại của bóng đá nam. Bởi, trên toàn thế giới, không ai đánh giá bóng đá nữ là bộ mặt của cả nền bóng đá (bằng ngược lại, có lẽ người ta phải xếp các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Na Uy… là các quốc gia phát triển bóng đá hàng đầu, chứ không phải Brazil, Italia, Đức, Argentina hay Tây Ban Nha). Bộ mặt của nền bóng đá là đội tuyển quốc gia nam, còn nền tảng là giải quốc nội. Đau đớn thay, bóng đá Việt Nam yếu cả hai mặt này.
5/ Lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có 6 đội tuyển khác nhau lọt vào VCK châu Á. Các đội tuyển đấy là đội tuyển quốc gia nam, đội tuyển U23 nam, đội tuyển quốc gia nữ, đội tuyển U19 nữ, đội tuyển U19 nam và đội tuyển futsal nam. Trong số này, đội tuyển quốc gia nam lần đầu tiên giành vé vượt qua vòng loại (lần khác chúng ta dự VCK Asian Cup là vào năm 2007 với tư cách đồng chủ nhà). Dù vậy, do nằm chung bảng vòng loại với 2 đội bóng yếu là Afghanistan và Campuchia, trong khi AFC nâng số suất tham dự VCK giải châu Á từ 16 lên 24 đội, nên việc đội tuyển Việt Nam có vé đến giải VCK giải châu lục được xem là nhiệm vụ đương nhiên.
6/ VFF đấu đá nội bộ, mất khả năng kiểm soát nhiều ban chức năng. Càng gần đến đại hội nhiệm kỳ 8 của VFF, người ta càng thấy xuất hiện nhiều thông tin hạ uy tín lẫn nhau liên quan đến một số thành viên chủ chốt của VFF. Chưa bao giờ, người ta thấy các trưởng ban chức năng của VFF bị chỉ trích nhiều như những năm cuối của nhiệm kỳ 7, đặc biệt là các trưởng Ban trọng tài và trưởng Ban kỷ luật. Ấy vậy mà, những trưởng ban này vẫn bình tại vị, bất chấp sự bất bình của dư luận. Nguyên nhân có lẽ đến từ việc chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sức khoẻ yếu kéo dài, thành ra VFF thiếu người cầm lái, cũng như thiếu người đủ sức giữ kỷ cương của tổ chức này. Cái thiếu quan trọng nhất của VFF trong vai trò quản lý bóng đá Việt Nam là thiếu một nhân vật đủ sức, đủ tầm để tập hợp các nguồn lực xã hội đối với công tác đối ngoại, và thiếu một nhân vật đủ uy để chấn chỉnh các ban chức năng trong công tác đối nội.
7/ U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan ngay trên đất Thái. Ở bất cứ thời điểm nào, việc một đội tuyển của bóng đá Việt Nam thắng được một đội tuyển Thái Lan cũng là sự kiện, chiến thắng đấy lại diễn ra ngay trên đất Thái thì ý nghĩa về mặt tinh thần càng lớn. Chỉ tiếc rằng giá như cũng lực lượng đấy của đôi bên, U23 Việt Nam có được tinh thần và tâm lý như lúc đá giải giao hữu được như khi đá giải chính thức ở SEA Games thì tốt biết mấy.
8/ Anh Đức trở thành chân sút nội đầu tiên sau 15 năm giành danh hiệu vua phá lưới V-League. Phải mất 1,5 thập niên tính từ thời điểm Đặng Đạo giành danh hiệu vừa nêu ở giải chuyên nghiệp lần 1 mùa 2000/2001 và Hồ Văn Lợi giành danh hiệu ở mùa chuyên nghiệp thứ 2 năm 2002, mới có 1 chân sút thuần nội lên ngôi vua phá lưới V-League. Danh hiệu của Anh Đức mang tính khích lệ rất lớn đối với các nội binh, trong việc cạnh tranh với các tiền đạo ngoại ở sân chơi trong nước.
9/ Đội bóng đá nữ TPHCM lần thứ 3 liên tiếp vô địch bóng đá nữ quốc gia. Trong bối cảnh đội nữ Hà Nội sa sút, còn Hà Nam chưa đủ bản lĩnh đến đi đến cùng ở các cuộc đua, TPHCM một lần nữa lên ngôi. Đây cũng là lần vô địch thứ 3 liên tiếp của Đoàn Thị Kim Chi trên cương vị HLV trưởng, sau khi cô từng giành rất nhiều vinh quang suốt sự nghiệp cầu thủ.
10/ Thái Sơn Nam bảo vệ thành công hạng ba giải futsal các CLB châu Á. Đây cũng là điểm sáng hiếm hoi của bóng đá nội trong năm qua. Lần thứ 2 Thái Sơn Nam có HCĐ giải châu Á. Cho đến nay, đây vẫn là CLB bóng đá duy nhất trong nước từng giành huy chương ở một giải đấu mang tính chất vô địch châu lục.
Tác giả: Ban thể thao
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn