Sáng 15/10, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Lý Thái Hải- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Duy Chinh- Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Theo báo cáo tại hội nghị, để thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực thực hiện chương trình là hơn 47.300 tỷ đồng. Qua 5 năm triển khai thực hiện tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,3% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011, đạt mục tiêu đề ra.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn. |
Đối với tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh có 20.199 hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền trên 464 tỷ đồng; 5.400 hộ cận nghèo được vay vốn với số tiền trên 66 tỷ đồng. Với nhiều chính sách được triển khai và thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 32,1% (năm 2011) xuống còn 11,2% (năm 2015), bình quân giảm 4,17%/năm.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo ở một số địa phương trong tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa thực sự đồng đều, thiếu bền vững do công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa đạt hiệu quả. Tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn còn chậm…
Mục tiêu của chương trình giai đoạn 2016 - 2020 đó là: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015; Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; Hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới... Tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 48.300 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Đảng và Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề giảm nghèo, phát triển kinh tế cho đồng bào vùng khó khăn. Chính phủ đánh giá cao tinh thần triển khai công tác giảm nghèo của các địa phương; sự đóng góp giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, người hảo tâm trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tình hình giảm nghèo ở nước ta chưa thực sự bền vững; nhiều chủ trương, chính sách khi được triển khai ở các địa phương còn chưa hiệu quả…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế khuyến khích người nghèo tự nỗ lực vươn lên. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tuyên truyền rộng rãi mục tiêu của chương trình giảm nghèo, khuyến khích tinh thần tự vươn lên của người nghèo, sự hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân, tổ chức. Các bộ, ngành tiếp tục điều chỉnh hệ thống chính sách pháp luật, dành nguồn lực cho việc giảm nghèo trong thời gian tới; đặt mục tiêu giảm nghèo trong quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đó, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương… xây dựng Quỹ vì người nghèo, nhận đỡ đầu các huyện nghèo, xã nghèo để góp phần tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020…/.
Hồng Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn