Ngày 27/4/2018, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì Hội nghị.
Năm 2017, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều hơn so với những năm trước, xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn nhất trong gần 60 năm qua; các loại hình thiên tai khác như lốc, sét, rét hại, hạn hán chỉ xuất hiện ít với cường độ trung bình. Tổng thiệt hại về hoa màu, tài sản năm 2017 do thiên tai gây ra ước tính trên 167,7 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với năm 2016.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, công tác phòng chống thiên tai được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời từ công tác phòng ngừa, chỉ huy ứng phó đến khắc phục hậu quả. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ngành, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác PCTT-TKCN năm 2017. Khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy, Văn phòng Ban Chỉ huy, thành viên Ban Chỉ huy đã thành lập đoàn công tác xuống các địa phương bị thiệt hại do thiên tai trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; thăm hỏi động viên kịp thời các gia đình có người bị thương, bị chết, nhà sập hoàn toàn, có sự hỗ trợ bước đầu giúp người dân giảm bớt khó khăn. Ngành Giao thông Vận tải huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục các sự cố để đảm bảo giao thông được thông suốt; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh đã huy động gần 2.400 lượt cán bộ, chiến sỹ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai...
Năm 2018, để sẵn sàng chủ động ứng phó với tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh xác định cần tập trung triển khai thực hiện các nội dung chính: Kiện toàn bộ máy tổ chức Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp để đảm bảo công tác chỉ đạo đồng bộ, kịp thời; tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, các đơn vị, địa phương; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình phòng chống thiên tai, công trình hồ chứa để kịp thời đề xuất sửa chữa, xây dựng mới đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện nghiêm túc trực ban các cấp theo quy định trong mùa mưa lũ; vận động, tuyên truyền để mọi tổ chức, đoàn thể và nhân dân nhận thức sâu sắc thêm về phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”; tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, phòng chống cháy rừng trên địa bàn các huyện, xã, phường…
Trong 4 tháng đầu năm 2018, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt rét khiến nhiệt độ nhiều nơi xuống thấp, tại huyện Ngân Sơn và Pác Nặm xuất hiện mưa tuyết, băng giá; 03 đợt lốc kèm mưa đá trong tháng 2, 3, 4, trong đó trận lốc kèm mưa đá xuất hiện tại thành phố Bắc Kạn ngày 17/3 và trận mưa đá đêm 14/4 rạng sáng 15/4/218 gây thiệt hại nặng tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Pác Nặm. Tính đến 23/4/2018, thiên tai đã gây thiệt hại ước tính trên 69,6 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các cấp chính quyền đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Riêng đối với công tác khắc phục thiệt hại do mưa đá đêm 14/4 rạng sáng 15/4, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ kinh phí đợt 1 cho UBND huyện Pác Nặm 5,6 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại đồng thời báo cáo Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương xin hỗ trợ kinh phí để khắc phục; tính đến ngày 22/4 đã có 4.614 lượt cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Công an, quân đội, dân quân tự vệ, cán bộ, viên chức và nhân dân tham gia hỗ trợ sửa chữa nhà bị hư hỏng, dọn dẹp, vệ sinh môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN đánh giá trong năm 2017, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai; công tác khắc phục thiên tai tại các địa phương chủ động, kịp thời, các tình huống khẩn cấp được xử lý nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: Tại một số địa phương, việc hỗ trợ trực tiếp người dân bị thiệt hại do thiên tai còn chậm, chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời; chưa chủ động trong việc bố trí di dân khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở cao…
Để chủ động, thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN năm 2018, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện dự thảo các báo cáo, Phương án phòng chống thiên tai theo các ý kiến góp ý tại Hội nghị; phối hợp với các đơn vị rà soát, báo cáo UBND tỉnh về thực trạng những công trình phòng chống thiên tai, các công trình hồ chứa, đập, kè bị hỏng và đề xuất phương án khắc phục để kịp thời sửa chữa; trên cơ sở số liệu danh điểm nguy cơ thiên tai trên địa bàn đã tổng hợp, rà soát lại và tăng cường phối hợp với các địa phương để chủ động có phương án bố trí dân cư xen ghép; tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu cho Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho các hộ dân được bố trí dân cư xen ghép. Ngành Giao thông Vận tải chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng cầu treo trên địa bàn, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và đề xuất giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn khi lưu thông qua những cầu treo đã cũ…
Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh khi đã được giao phụ trách các địa bàn, nhiệm vụ cần hết sức chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Các huyện, thành phố chủ động rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ huy cấp huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là giao nhiệm vụ cho cơ quan thường trực thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời; khẩn trương rà soát lại các nguồn kinh phí đã được hỗ trợ khắc phục thiên tai năm 2017 để đẩy nhanh tiến độ khắc phục các công trình đúng thời gian; chủ động sử dụng nguồn dự phòng để khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân kịp thời; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người về ứng phó, khắc phục thiên tai…/.
Tác giả: Hương Dịu
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn