Bằng sự tự tin, năng động và sáng tạo, phụ nữ Bắc Kạn đã chủ động tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đáng chú ý, thông qua các phong trào của Hội, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu, dám nghĩ dám làm, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, vươn lên làm giàu và thành đạt.
Phụ nữ tham gia vào kinh tế tập thể
HTX Thiên An do chị Lý Thị Quyên sáng lập giúp tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương |
Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong lao động, sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, phát huy thế mạnh địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Xác định được điều đó, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai những chương trình, đề án nhằm khơi dậy, hỗ trợ và tạo động lực cho các ý tưởng của chị em được hiện thực hóa và thành công, vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò vị thế của mình.
Có dịp được đến thăm Hợp tác xã Tân Thành, thăm cơ sở sản xuất tinh bột nghệ với khuôn viên rộng rãi, hệ thống máy móc được đầu tư bài bản, chúng tôi đã được gặp chị Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc HTX Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, cảm phục trước những tâm huyết của chị cùng sự tự tin, nhạy bén, với chị việc khởi nghiệp của phụ nữ không bao giờ là muộn. Chị Hồng Minh chia sẻ: Trải qua nhiều nghề, ra Bắc vào Nam rồi chị trở về quê chồng, sau khi sinh con thứ 2, hồi phục sức khỏe, chị bắt đầu nghĩ đến việc lập nghiệp lại từ đầu tại mảnh đất này. Nhận thấy địa phương có lợi thế trong việc trồng và phát triển cây nghệ, năm 2016, chị thành lập Tổ hợp tác trồng và sản xuất tinh bột nghệ chỉ với 04 thành viên là người địa phương tham gia. Ngay khi thành lập, tổ hợp tác của chị đã nhận được sự quan tâm của Hội LHPN tỉnh, đến năm 2017, chị mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm. Năm 2018, HTX Tân Thành thu mua khoảng 500 tấn nghệ, 200 tấn giềng và sản xuất được 10 tấn tinh bột nghệ, 30 tấn nghệ sấy lát, 30 tấn giềng sấy lát, qua đó cũng tạo việc làm cho 16 lao động với mức lương trung bình 4 triệu đồng/tháng và hàng trăm người dân có nguồn thu nhập từ trồng nghệ, giềng. Doanh thu trong năm của HTX đạt 5 tỷ đồng. Sản phẩm của HTX dần khẳng định uy tín trên thị trường trong tỉnh và một số tỉnh bạn. Phát huy kết quả đó, năm nay, HTX Tân Thành tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 100ha trồng nghệ và giềng.
Nhắc đến sự năng động, sáng tạo trong tham gia phát triển kinh tế tập thể không thể không kể đến chị Lý Thị Quyên - Giám đốc HTX Thiên An, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông. Nhận thấy cây chuối cũng là cây trồng phổ biến của địa phương, phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất, chất lượng cao, chị Quyên đã mày mò và thử nghiệm dây chuyền sản xuất chuối sấy khô. Trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng sản phẩm chuối khô của chị cũng đạt yêu cầu về màu sắc cũng như độ đậm, ngọt. Khi sản xuất được thành phẩm, chị cũng chính là người đứng ra thành lập HTX và phụ trách khâu quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ. Sau thời gian nỗ lực, HTX của chị đã có chỗ đứng trên thị trường với đa dạng sản phẩm không chỉ riêng chuối sấy mà còn có măng sấy, khoai tây, khoai lang, trà búp, trà hoa vàng… Chị Quyên chia sẻ: Tuy mới chính thức đi vào hoạt động chưa lâu nhưng HTX đã bước đầu khẳng định được hướng đi phù hợp, khai thác hiệu quả các sản phẩm nông sản của địa phương, được người tiêu dùng đánh giá cao. Dưới sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, sản phẩm của HTX đã có đầy đủ các điều kiện về mẫu mã, bao bì, tem truy suất nguồn gốc và được phân phối chủ yếu tại thị trường bán lẻ trong tỉnh và các tỉnh Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh… Để mở rộng thị trường ổn định đầu ra cho các sản phẩm, HTX thường xuyên tham gia Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Tin vui khi vừa qua sản phẩm của HTX Thiên An được lựa chọn là sản phẩm OCOP và gắn sản phẩm 3 sao, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào khởi nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số năm 2018.
Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ đang quản lý 10 HTX và 23 tổ hợp tác do phụ nữ thành lập với trên 280 thành viên, trong đó có 225 thành viên nữ. Việc phụ nữ tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể tại địa phương cũng đã phần nào khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia phát triển kinh tế, sáng tạo, khởi nghiệp, biết vận dụng, khai thác nguồn lực, thế mạnh của địa phương để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc
“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò vị thế của mình; Phát huy tốt vai trò người vợ, người mẹ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, phụ nữ còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia quản lý nhà nước; Đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em... Đội ngũ cán bộ nữ không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng.
Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đòi hỏi phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phải có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 02 cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động.
Để thực hiện được các phong trào, cuộc vận động trên, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng tuyên tuyền, vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Năm 2018, các cấp hội đã tổ chức được 562 hoạt động tuyên truyền về rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giải pháp hướng tới bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình... cho 64.138 lượt hội viên phụ nữ. Tiếp tục duy trì 282 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và kịp thời có những hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Các cấp Hội cũng chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, các kiếnthứcnuôi con khỏe, dạy con ngoan, phốihợptổchứccáchộithi, tậphuấn, kết quả tổ chức được 279 cuộctuyêntruyền thu hút 16.740 chị tham gia.Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày gia đình Việt Nam (28/6) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), phụ nữ đã được tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về giá trị gia đình, nguyên tắc ứng xử giữa vợ chồng và phòng, chống bạo lực gia đình...
Song song với đó, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình luôn được các cấp hội quan tâm hàng đầu. Đến nay, các cấp Hội vẫn đang tiếp tục duy trì quản lý, sử dụng tốt các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ vay để phát triển kinh tế với tổng dư nợ từ các nguồn vốn gần 800 tỷ đồng.
Nhờ có sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội, phụ nữ trong tỉnh đã biết sử dụng hiệu quả nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc./.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn