Sáng ngày 04/9/2019, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Hội nghị do Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì.
Đoàn đại biểu của tỉnh Bắc Kạn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng cùng đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Kạn; đại diện lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tham dự Hội nghị.
Hội nghị đã thống nhất đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, sản phẩm cho vay ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho các lĩnh vực ưu tiên, đối tượng chính sách, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị của 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn huy động tại địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn; đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Khu vực thường gặp phải các rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp; thiếu các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả...
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng đã khẳng định: Trong điều kiện nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn vốn tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng giúp tỉnh thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 87.553 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; 722 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; góp phần tạo việc làm cho 4.484 lao động; giúp 1.045 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 35.995 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng mới được 760 căn nhà cho hộ nghèo.
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tín dụng chính sách đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống của người dân; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 29,4% năm 2015 xuống còn 21,88% năm 2018; đến nay cả tỉnh có 15/110 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng phát biểu tham luận tại Hội nghị
Để chính sách tín dụng đối với đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng cũng đã kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành một số vấn đề liên quan như: Đề nghị bổ sung thêm đối tượng cho vay học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số và quan tâm nâng mức cho vay Chương trình học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường. Đề nghị kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 03 năm lên tối đa 05 năm và nâng thời hạn cho vay tối đa từ 05 năm lên 10 năm theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và thời hạn cho vay tối đa từ 05 năm lên 10 năm đối với Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn