Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Thứ hai - 26/06/2017 12:19
Là một tỉnh miền núi vùng cao, kinh tế phát triển chưa nhanh, muốn CNH-HĐH không còn con đường nào khác phải tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ trí thức có tâm, có tầm, thời gian qua, Bắc Kạn đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát triển.

Là một tỉnh miền núi vùng cao, kinh tế phát triển chưa nhanh, muốn CNH-HĐH không còn con đường nào khác phải tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ trí thức có tâm, có tầm, thời gian qua, Bắc Kạn đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát triển. Đội ngũ trí thức của tỉnh đã có những đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
 Trí thức tỉnh Bắc Kạn góp ý xây dựng địa phương tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại với lãnh đạo tỉnh
tổ chức tháng 6/2017

Những đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức

Theo số liệu thống kê, tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.345 công chức cấp tỉnh, chiếm 88,3% tổng số công chức; 4.493 viên chức có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 47% tổng số viên chức. Số lượng cán bộ và công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên là 775, chiếm 33% cán bộ, công chức cấp xã. Đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh Bắc Kạn có 639 người có trình độ từ thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I trở lên, trong đó có 08 Tiến sỹ, 454 Thạc sỹ, 158 Bác sỹ chuyên khoa I, 19 Bác sỹ chuyên khoa II.

Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức về công tác tại địa bàn. Từ khi thành lập tỉnh tới nay tỉnh đã mời 5 tiến sỹ về công tác giữ chức vụ lãnh đạo cấp sở, ngành. Tỉnh cũng đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho 04 cán bộ, công chức đi nghiên cứu sinh tiến sỹ (trong đó 02 theo đề án 165, 02 đào tạo trong nước). Ngoài ra, tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các cán bộ, công chức đi đào tạo sau đại học; thực hiện các chế độ chính sách về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp đối với trí thức được điều động, luân chuyển công tác đến nơi khó khăn, vùng sâu, xa; hỗ trợ cán bộ ngành y tế đi đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Việc khai thác, phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của trí thức có trình độ cao phục vụ trong công tác quản lý trên địa bàn tỉnh đã được trú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 75 trí thức đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo từ cấp Phó Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên, chiếm 11,7%; cấp phòng 50,5%. Đội ngũ trí thức đã thể hiện tính năng động, sáng tạo, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đóng góp tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên tất cả các lĩnh vực.

Tiêu biểu nhất, phải kể đến những đóng góp của đội ngũ trí thức cho lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực luôn được coi là thế mạnh của địa phương. Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến hiệu quả của mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng có năng suất cao kết hợp với kỹ thuật thâm canh, sử dụng hiệu quả đất bỏ hóa, bước đầu đưa cây vụ đông vào sản xuất …ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh giúp nâng cao hệ số sử dụng đất từ 1,2 lần năm 1997, đến nay đạt 1,96 lần; lương thực bình quân đầu người từ 270kg/năm vào năm 1997 đến nay đã đạt gần 600kg/người/năm. Các chương trình về cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lâm nghiệp và chăn nuôi đã góp phần bước đầu tạo vùng sản xuất hàng hóa, đến năm 2016 đã có 3 mặt hàng là cam, quýt, thuốc lá, miến dong riềng và hàng chục nghìn tấn thịt hơi các loại, hàng trăm nghìn m3 gỗ đã trở thành hàng hóa đem lại thu nhập cho người dân hàng trăm tỷ đồng. Những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất cây lương thực, cây ăn quả đã góp phần tích cực cho việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cho người sản xuất, có những mô hình sau khi kết thúc đã nhân rộng hàng nghìn ha, như đề tài phục tráng vùng quýt, tuyển chọn giống lúa thuần, đã đề xuất cho tỉnh 03 giống lúa bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh: PC6, DT68, TH6.

Bên cạnh đó là những thành tựu của đội ngũ trí thức mang lại cho lĩnh vực y tế góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân. Tiêu biểu như: Dự án mổ nọi soi, đã giúp nâng cao trình độ chuyên môn, gúp cho cho bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn làm chủ kỹ thuật mổ nội soi. Dự án vận động sớm cho bệnh nhân tai biến mạch máu não đã giúp cho bệnh nhân phục hồi sớm, giảm nguy cơ tai biến. Đề tài đánh giá nấm độc đã xác định được các loại nấm độc và đề xuất giải pháp phòng ngừa giúp cho hạn chế ngộ độc nấm trên địa bàn tỉnh.

Đội ngũ trí thức thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã có những đóng góp không nhỏ trong đánh giá nguồn nguyên liệu đá, sét xi măng; điều tra trượt lở, sụt lún để có khuyến cáo, đề xuất các giải pháp phòng ngừa cho chính quyền địa phương những vùng có nguy cơ trượt lở cao như: Thị trấn Chợ Rã huyện Ba Bể, sụt lún ở huyện Chợ Đồn.

Cùng với đó, đội ngũ trí thức thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn triển khai nghiên cứu và áp dụng nhiều đề tài, mang lại hiệu quả thiết thực cho sự nghiệp phát triển văn hóa xã hội của địa phương như: Đánh giá sinh thái của cộng đồng Mông - Dao; tuyên truyền pháp luật cho đồng bào theo đạo tại huyện Pác Nặm; đánh giá thực trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, đã đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp…

Phát huy vai trò đội ngũ trí thức địa phương

Thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát triển. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, công tác quản lý và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thời gian qua còn bộc lộ hạn chế. Đến nay, tỉnh chưa có chiến lược phát triển và xây dựng, phát huy tiềm năng, vai trò của đội ngũ trí thức. Các chủ trương, chính sách đào tạo đội ngũ trí thức trong thời gian qua còn ít (trí thức tỉnh Bắc Kạn có trình độ trên đại học chỉ chiếm 0,0002% dân số của tỉnh). Việc nghiên cứu, vận dụng để ban hành các cơ chế chính sách về đào tạo, thu hút cán bộ có năng lực, trình độ cao về công tác tại địa phương chưa kịp thời. Đội ngũ trí thức trẻ (dưới 35) đảm nhiệm chức vụ cán bộ chủ chốt tại tỉnh chưa có. Số lượng cán bộ có trình độ tiến sỹ còn ít và thiếu chuyên gia đầu ngành. Cơ cấu đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về ngành, nghề, lĩnh vực (hiện nay, cán bộ có trình độ sau đại học tập trung chủ yếu ở ngành Y tế và Giáo dục).

Việc tập hợp, phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức còn hạn chế. Năng lực sáng tạo, khả năng ứng dụng khoa học và kỹ thuật; khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ trí thức còn hạn chế. Số lượng trí thức tham gia nghiên cứu khoa học còn ít; chất lượng đề tài, dự án do cán bộ trong tỉnh chủ trì thực hiện hiệu quả chưa cao. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn bó với sản xuất, kinh doanh và đời sống. Nhiều kết quả nghiên cứu thành công nhưng chưa nhân rộng được ra thực tiễn.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, chính quyền và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo và quản lý. Chưa tạo được môi trường và điều kiện làm việc cho đội ngũ trí thức phát huy sáng tạo, nghiên cứu chuyên sâu. Đầu tư cho xây dựng, phát triển trí thức còn thấp và thiếu sự chọn lọc, ưu tiên. Chính sách thu hút đội ngũ trí thức có trình độ cao về làm việc tại tỉnh chưa đủ mạnh. Một số sở, ngành chưa quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức kế cận. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn nên đội ngũ trí thức chưa có môi trường thuận lợi để phát huy hết năng lực sáng tạo và yên tâm công tác lâu dài tại địa phương (một số cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo ở bậc thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, II đã chuyển công tác đi sang địa phương khác).

Việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng đối với đội ngũ trí thức còn chậm, còn những vướng mắc, bấp cập. Hệ thống chính sách về trí thức còn thiếu và chưa phù hợp; Cơ chế và chính sách tài chính hiện hành trong các hoạt động khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ,… còn nhiều bất cập, gây khó khăn, dẫn đến một số trường hợp trí thức phải tìm cách đối phó, làm giảm chất lượng của các công trình sáng tạo, lãng phí thời gian, công sức, tiền của, ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của trí thức.

Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung thực hiện các vấn đề như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền với đội ngũ trí thức, coi công tác xây dựng đội ngũ trí thức là việc làm thường xuyên của đơn vị. Bố trí sắp xếp vị trí việc làm hợp lý để đội ngũ trí thức phát huy năng lực của mình. Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách phù hợp cho đội ngũ trí thức. Tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy tối đa năng lực trong điều kiện của tỉnh hiện nay, trong đó cần có cơ chế chính sách thu hút nhân tài…

Bên cạnh những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ trí thức của tỉnh cần năng động hơn nữa, phát huy tri thức trong thực tế hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu đề tài khoa học gắn với ứng dụng trong thực tế. Phát huy kiến thức đạt được, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống nhân dân./.

Tác giả: Nguyễn Nga

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây