Nỗ lực hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ tư - 29/11/2017 14:24
Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, Bắc Kạn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, Bắc Kạn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Tỉnh Bắc Kạn có vị trí vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái đầu nguồn, với địa hình đồi núi có độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt mạnh nên Bắc Kạn là khu vực khá nhạy cảm với những hệ quả gây ra bởi biến đổi khí hậu như: Lũ ống, lũ quét, khô hạn, cháy rừng, sạt lở, xói mòn, suy giảm đa dạng sinh học và phá hủy hệ sinh thái...

Trong những năm qua, Bắc Kạn cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu toàn cầu như: Đất đai bị rửa trôi, bào mòn, bạc màu, khô hạn, xói lở... ngày càng tăng; nhiệt độ không khí tăng cao, hạn hán bất thường, lũ lụt không theo quy luật; nhiều dịch bệnh mới hình thành đã đe dọa đời sống và hoạt động của người dân trong tỉnh. Những ảnh hưởng này cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đặt ra cho Bắc Kạn những thách thức rất nghiêm trọng.

Nỗ lực hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu

Mưa lớn gây sạt lở đất taluy dương trên Quốc lộ 3 tại chân Đèo Giàng,

thuộc thôn Đèo Giàng, xã Phương Linh, huyện Bạch Thông ngày 10/7/2017

Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện nay, các tác động chủ yếu của biến đổi khí hậu với Bắc Kạn gồm 6 vấn đề, đó là: Tác động của sự nóng lên toàn cầu; phát thải khí nhà kính; tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan; gia tăng các hiện tượng tai biến thiên nhiên; gia tăng lũ lụt, hạn hán và suy thoái đất; suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Nhận thức được những tác động to lớn của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay từ khi mới tách tỉnh và khi Nhà nước ban hành các chủ trương chính sách về biến đổi khí hậu, Bắc Kạn đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật có liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường như: Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học... Từ năm 2015 đến nay, Bắc Kạn đã tổ chức 20 lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường với sự tham gia của hơn 1.780 lượt người thuộc các đối tượng khác nhau; đăng tải 58 bài, ảnh về bảo vệ môi trường trên Báo Bắc Kạn; phát thanh 01 chương trình và 07 phóng sự ngắn trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn; tổ chức các hoạt động hưởng ứng các sự kiện môi trường như: Tổ chức các hoạt động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5, Ngày nước thế giới 22/3… bằng nhiều hình thức phong phú với sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã thực hiện các mô hình thử nghiệm giống mới, kỹ thuật canh tác cải tiến, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác tiếp tục được đưa vào triển khai trên địa bàn các huyện, thành phố như: Mô hình chăn nuôi gà, mô hình sử dụng đệm lót trong chăn nuôi lợn thịt, trồng rau an toàn..., qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên thực hiện Dự án “Người dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu” để tranh thủ nguồn vốn tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, tuyên truyền và chia sẻ các nội dung của kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, xác định các biện pháp thích ứng cho đối tượng người dân tộc tại các vùng Dự án triển khai. Đồng thời nghiên cứu, thực hiện một số mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu có sử dụng kiến thức bản địa của người dân tộc thiểu số để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, duy trì, ổn định cuộc sống và thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu. Cụ thể như các dự án được thực hiện tại 02 xã Thanh Vận và Mai Lạp, huyện Chợ Mới: Mô hình ngô xen đậu xanh thích ứng hạn được thực hiện trên đất lúa một vụ đã cho thu nhập bình quân tăng lên trung bình từ 20 - 25 triệu/ha/vụ so với trồng lúa; Mô hình gừng, cây dược liệu xen chuối trên đất dốc cho thu nhập khoảng 30 triệu/ha/năm, sau khi trừ chi phí còn khoảng 25 triệu/ha/năm, tăng 15 triệu/ha/năm so với cũng diện tích trồng chuối trước đây. Ngoài ra, một số mô hình khác được triển khai cũng bước đầu đem lại kết quả khả quan như: Mô hình chăn nuôi thích ứng với rét; Mô hình khoai tây thích ứng rét; Mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu trong canh tác lúa… Các mô hình được thực hiện đã góp phần tạo nên sự đa dạng các nguồn thu nhập và ổn định cho người nông dân; nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng hiệu quả sản xuất từ việc trồng xen nhiều loại cây trồng; giúp người dân chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất tại địa phương. Đây đều là những mô hình khá thân thiện với môi trường do sử dụng nhiều phân hữu cơ và bón cân đối các loại phân vô cơ, từ đó sẽ giảm nguy cơ suy thoái đất; tăng thêm độ che phủ đất, giảm rửa trôi, hạn chế xói mòn, giữ ẩm cho đất, giữ nước, cải tạo đất, làm đất tơi xốp.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Bắc Kạn cũng đã có những biện pháp kết hợp với phát triển kinh tế như trồng rừng và xúc tiến tái sinh rừng. Trong giai đoạn 2011 - 2017, toàn tỉnh đã trồng mới được 70.980ha rừng, nâng độ che phủ rừng năm 2017 lên 71,4%, đưa Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất toàn quốc.

Về cải thiện hạ tầng kỹ thuật ở một số đô thị chọn lọc và xanh hóa cảnh quan đô thị, tỉnh đã triển khai một số dự án xây dựng, cải thiện và nâng cao hạ tầng đô thị như: Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc thị xã Bắc Kạn giai đoạn I và giai đoạn 2; Dự án Cấp nước và Vệ sinh thị xã Bắc Kạn; Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang và Cao Bằng) - Dự án thành phần tỉnh Bắc Kạn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1205/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 với mục tiêu cấp nước sinh hoạt cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ dân đồng bào vùng cao (trong đó có 03 tiểu dự án cấp nước sinh hoạt là: Hệ thống cấp nước trung tâm xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm; hệ thống cấp nước trung tâm xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn và Mở rộng mạng lưới công trình cấp nước huyện Chợ Mới và huyện Bạch Thông).

Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là trách nhiệm của một quốc gia hay một địa phương mà phải là sự chung tay góp sức của tất cả mọi người./.

Tác giả: Thu Cúc

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây