Ngày 27/4/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Các đơn vị sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp đều xây dựng quy chế chi nội bộ, quản lý tài sản công tại đơn vị nhằm tiết kiệm tối đa trong sử dụng điện nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản; tăng cường việc áp dụng giao khoán kinh phí cho từng phòng, ban trong các đơn vị về văn phòng phẩm, sử dụng điện thoại cơ quan, khoán công tác phí, xăng dầu, chi tiêu hội nghị, tiếp khách...
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo đúng dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng chế độ quy định; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước để giảm chi. Việc tổ chức lễ hội, kỷ niệm ngày thành lập được các đơn vị dự toán chi tiêu tiết kiệm, không phô trương, đồng thời không tặng hoa, quà nhân dịp kỷ niệm các ngày truyền thống thành lập ngành, địa phương, các dịp lễ tết, đón nhận các danh hiệu; không căng treo khẩu hiệu, maket tại các buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh, hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết, hội nghị trực tuyến, hội nghị triển khai công tác cơ quan. Cắt giảm bớt số lượng cuộc họp không cần thiết và tăng cường việc tổ chức họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc theo quy định.
Theo tổng hợp báo cáo của ngành chức năng, trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước; trong đó thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ dự toán giao đầu năm được hơn 200 tỷ đồng; tiết kiệm trong chi thường xuyên được hơn 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước trong các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định cũng đã tiết kiệm được trên 455 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, Chỉ thị số 34-CT/TU của Tỉnh ủy sau khi ban hành đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền; công tác xây dựng và ban hành các văn bản thực hiện Chỉ thị được các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện. Theo đó, công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước từng bước đi vào nề nếp, đã tiết kiệm được nhiều khoản chi để bổ sung kinh phí cho hoạt động chuyên môn và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều chuyển biến tích cực, số nợ đọng vốn đầu tư, số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được phê duyệt quyết toán giảm dần qua các năm; việc thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành ngày càng được nâng cao về chất lượng; việc bố trí vốn đầu tư ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Công tác quản lý tài sản công được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, việc mua sắm tập trung dần đi vào nề nếp, thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi đã tiết kiệm số tiền không nhỏ cho ngân sách Nhà nước; công tác chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính được thực hiện tốt hơn. Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU của Tỉnh ủy, ý thức về tiết kiệm, chống lãng phí và việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải cách hành chính của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TU của Tỉnh ủy vẫn còn một số tồn tại như: Công tác tuyên truyền về tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự hiệu quả; tình trạng lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số đơn vị, địa phương; một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, tự giác rèn luyện ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ý thức và trách nhiệm thực thi công vụ chưa cao; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện theo đúng yêu cầu…
Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những giải pháp hiệu lực, hiệu quả hơn. Trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các cơ quan, tổ chức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng nhiều phương thức phù hợp, đồng thời thực hiện tốt việc nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí cho từng lĩnh vực gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công trách nhiệm rõ ràng của từng tổ chức, đơn vị; đưa kết quả tiết kiệm, chống lãng phí để chấm điểm đối với tổ chức, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý, gắn tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả các phần mềm “ một cửa điện tử”, “ một cửa điện tử liên thông”, tăng cường giải pháp họp trực tuyến tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa quan trọng, tác động rất lớn đến việc tập trung nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì vậy rất cần sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để công tác này thực hiện ngày một hiệu quả hơn./.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn