“Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam” là sự kiện được tổ chức vào ngày 22/5 hàng năm nhằm khuyến khích động viên đồng bào chiến sỹ cả nước và các cấp, các ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực trong công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Cách đây 71 năm, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão (PCLB) Trung ương ngày nay. Để khẳng định tầm quan trọng của công tác PCLB và giảm nhẹ thiên tai ở nước ta, nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ và toàn thể nhân dân cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong công tác PCLB, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, ngày 21/3/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 89/HĐBT lấy ngày 22/5 hàng năm là “Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam”.
Trong suốt 71 năm qua, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam luôn được coi là cuộc đấu tranh sinh tồn, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, công tác phòng, chống thiên tai lại càng được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống 22/5, Chủ tịch nước đều có thư gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước nhằm động viên, khuyến khích và nhắc nhở các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản và cuộc sống của nhân dân.
Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, trong đó có Chiến lược Quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16.11.2007) với mục tiêu chung: Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa, góp phần quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, những năm gần đây cũng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Chỉ tính riêng trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 04 cơn bão ảnh hưởng đến các khu vực trong tỉnh gây ra mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to kèm theo gió mạnh; xảy ra 06 trận lốc kèm theo mưa, sét; từ tháng 1 đến tháng 3, hạn hán xảy ra tại các địa phương đã làm ảnh hưởng 994,4ha diện tích vụ đông xuân… Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại nhiều tài sản và hoa màu, nhà cửa của nhân dân.
Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị dùng nguồn dự phòng của cấp huyện, xã để khắc phục hậu quả do mưa, lũ, lốc, sét gây ra với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng; các đơn vị quản lý tổ chức sửa chữa, trát láng, phát dọn công trình thủy lợi, khơi thông dòng chảy, chủ động nguồn nước chống hạn, sử dụng các trạm bơm, máy bơm dã chiến để hỗ trợ bơm nước khắc phục hạn; huy động hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội tham gia khắc phục hậu quả thiên tai; di dời các hộ dân có nguy cơ thiên tai cao đến nơi an toàn…
Đơn vị chức năng của tỉnh Bắc Kạn khắc phục sạt lở trên tuyến Quốc lộ 3B trong mùa mưu lũ năm 2016 (Ảnh: TTXVN) |
Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương dự báo, trong năm 2017, thiên tai sẽ không khốc liệt như năm 2016, nhưng tiếp tục có diễn biến bất thường, nhiều khả năng El Nino sẽ quay trở lại vào cuối năm 2017 với xác suất là hơn 50%; hoạt động của bão trên biển Đông cũng sẽ nhiều hơn so với trung bình, dự báo sẽ có khoảng 13 - 15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong năm nay (mức trung bình là 12 cơn bão mỗi năm).
Vì vậy, để chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ngay từ trước mùa mưa bão, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục có hiệu quả”. Chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát lại các nguồn lực thực hiện công tác ứng phó với thiên tai: Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai; kiểm kê nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ công tác ứng phó thiên tai; xây dựng 5 tình huống thiên tai có thể xảy ra như: Lốc, sét, mưa đá; bão, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ… cùng với đó là các biện pháp ứng phó kịp thời.
Đối với các cấp, các ngành đặc biệt là các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch phòng tránh, ứng phó thiên tai. Khi có thiên tai xảy ra kịp thời huy động lực lượng, vật tư, kinh phí nhanh chóng khắc phục thiệt hại giúp nhân dân ổn định sản xuất, đời sống trong thời gian sớm nhất. Chuẩn bị tốt cho công tác diễn tập về các phương án cứu hộ, cứu nạn để ứng phó kịp thời. Ngoài ra, tổ chức tốt công tác thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nắm chắc diễn biến thời tiết, kịp thời dự báo và cảnh báo nhân dân chủ động phòng tránh.
Hiện nay, đang bắt đầu vào mùa mưa bão, lũ ống, lũ quét, lở đất, lốc xoáy... có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Vì vậy, việc chủ động, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng các phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương sẽ góp phần hạn chế đáng kể những thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn