Nằm trên con đường Nam Tiến, cách đây hơn 70 năm, nhân dân các dân tộc thôn Khuổi Mản, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia tích cực vào các hoạt động kháng chiến, góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương.
Di tích lịch sử Khuổi Mản trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ |
Giữa tháng 3/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời tại Hà Hiệu được thành lập. Trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đi qua huyện Chợ Rã. Đêm ngày 12/5/1945, Người đã dừng chân nghỉ ở bản Khuổi Mản, xã Hà Hiệu. Cùng đi với Bác từ Pác Bó về Tân Trào có 1 đoàn cán bộ, chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong đoàn có 10 học sinh quân sự mới ở nước ngoài về và thêm 2 người Mỹ là đại diện quân Đồng Minh. Hành lý của đoàn rất đơn giản, ngoài một số súng đạn ít ỏi, chỉ có 1 máy thu thanh và 1 máy phát điện nhỏ dùng tay khởi động được để sử dụng hàng ngày. Tại đây, Bác đã có cuộc nói chuyện thân mật về việc tiết kiệm và đánh giặc Pháp.
Qua tìm hiểu chúng tôi biết đến ông Ô Phúc Bình - năm nay 90 tuổi và đã có 69 năm tuổi Đảng ở bản Cốc Lót xã Hà Hiệu huyện Ba Bể là người được tham gia vào việc bảo vệ đoàn “Bộ đội ông Cụ” lúc bấy giờ. Dù tuổi đã cao nhưng ông Bình còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Ông dẫn chúng tôi đến bản Khuổi Mản - nơi đã vinh dự đón Bác về nghỉ chân vào đêm 12/5/1945. Ấn tượng của chúng tôi khi đến bản Khuổi Mản chính là một thung lũng rộng, đồi núi bao quanh, cánh đồng rộng, hai mùa lúa xanh tốt, nhà cửa đông đúc yên vui, sạch sẽ và gọn gàng. Ở đây đã có đường bê tông, có nhiều ao cá, vườn cây. Có lẽ chính cuộc sống mới ấm no, đoàn kết đã đem lại cho Khuổi Mản một diện mạo tươi mới và tràn đầy sức sống.
Để dẫn chứng thêm cho những lời ông vừa nói, ông Bình dẫn chúng tôi đến gặp ông Đàm Ngọc Hải để nghe kể về việc dân bản ở đây đã chuẩn bị bữa cơm cho Bác và đoàn quân giải phóng như thế nào. Vì đoàn đông, có gần 90 người gồm cả cán bộ, chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nên công việc cũng phải hết sức khẩn trương. Bữa cơm được tổ chức ở nhà ông Đàm Ngọc Hải.
Đón chúng tôi là bà Nguyễn Thị Lai - là con dâu trưởng của ông Đàm Ngọc Hải. Bà Lai được bố chồng mình kể lại rằng: Vào tối hôm đó cả đoàn 86 người ăn cơm tại chính ngôi nhà này. Lúc đó là nhà trình tường - tức là nhà dài chứ không phải nhà như bây giờ. Ông Đàm Ngọc Hải chính là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến bí mật lúc bấy giờ và lo hậu cần cho đêm hôm đó. Còn ông Ô Phúc Bình được giao nhiệm vụ canh gác. Bữa cơm hôm đó rất đông vui. Đến bữa ông Đàm Ngọc Hải được Bác Hồ kéo đến ngồi cùng mâm, cả cậu con trai 11 tuổi - tức chồng bà Lai cũng được vào ngồi cùng. Suốt bữa Cụ cứ gắp thức ăn cho thằng bé. Và để ghi nhớ thời điểm Bác Hồ về đây, một trong những người con trai của ông Đàm Ngọc Hải đã được đặt tên là Đàm Ngọc Hồ - khi đó mới sinh. Bà Lai còn kể thêm: Sau khi Bác Hồ và đoàn quân giải phóng sang Tân Trào, Pháp đã cho lùng sục và biết chính ngôi nhà này đã tổ chức buổi gặp Bác Hồ cùng các cán bộ giải phóng nên chúng đã cho đốt sạch dãy nhà tường trình. Nhưng chúng đâu biết là chúng chỉ đốt được ngôi nhà chứ không đốt được ý chí và lòng tin theo Đảng, theo Bác Hồ của bà con các dân tộc nơi đây. Qua câu chuyện bà Lai kể chúng tôi biết thêm những câu chuyện thật đáng quý. Những mất mát, hy sinh thầm lặng của lớp người đi trước có thể không được ghi trong sử sách nhưng chúng ta sẽ luôn biết ơn và tri ân với những gì họ đã đóng góp cho tổ quốc để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình.
Di tích Khuổi Mản - nơi Bác từng qua giờ đây đã trở thành một điểm di tích lịch sử có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể.
Phát huy truyền thống cách mạng, ngày nay cấp ủy, chính quyền và nhân dân thôn Khuổi Mản nói chung và xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể nói riêng tiếp tục năng động vươn lên, xây dựng Đảng, củng cố chính quyền vững mạnh, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Với lợi thế có nhiều tuyến đường giao thông như QL3, đường 279, tỉnh lộ 253 chạy qua nên Hà Hiệu có thuận lợi về lưu thông và phát triển các ngành thương mại, dịch vụ. Các chương trình 135, 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới… được Hà Hiệu triển khai có hiệu quả. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã và đang được xây dựng hoàn thiện, phục vụ tốt cho nhu cầu cuộc sống của người dân. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng hoàn thiện, chất lượng khám và điều trị nâng lên một bước. Đến nay, Hà Hiệu đã đạt 11/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đảng ủy và chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo. Cùng với đó, xã đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi; tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất… đã mang lại sự chuyển biến đảm bảo an ninh lương thực, với mức lương thực bình quân đạt 699kg/người/năm. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Hiệu chỉ còn 15,89% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Công tác quốc phòng - an ninh được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được củng cố, ổn định; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát triển, hoạt động sôi nổi với nhiều hình thức phong phú.
Về Hà Hiệu hôm nay, có thể cảm nhận rõ nhịp sống no ấm của đồng bào, bộ mặt nông thôn đang có những đổi thay tích cực. Với bề dày truyền thống lịch sử và sự năng động của cán bộ, nhân dân, tin tưởng rằng Hà Hiệu sẽ ngày một đổi mới, đi lên./.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn