Nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018) chúng ta cùng nhớ lại những lời dạy của Bác về thi đua và cùng điểm lại những thành tựu mà phong trào thi đua yêu nước đã đem lại qua các giai đoạn cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước trong hoàn cảnh đất nước đang rất khó khăn của những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Trung ương Đảng và Chính phủ phải rút về căn cứ địa Việt Bắc và bị giặc bao vây bốn phía; quân đội ta mới được thành lập chưa có kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí, đạn dược còn thiếu thốn; Nhà nước non trẻ của chúng ta chưa được các nước công nhận, chúng ta phải tự lực cánh sinh tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại kẻ thù hùng mạnh. Trong bối cảnh đó, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948 Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước. Chỉ thị nêu rõ: “Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”; tiếp đó, ngày 1/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương tới địa phương. Để tập hợp đồng bào và chiến sĩ cả nước đồng tâm nhất trí hưởng ứng phong trào thi đua, ngày 11/6/1948 Người đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Lời kêu gọi của Người đã trở thành lời hiệu triệu, thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam hăng hái tham gia kháng chiến, thi đua lao động sản xuất, làm nên những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Tinh thần ấy, động lực ấy càng sục sôi hơn, mãnh liệt hơn, lan tỏa sâu rộng hơn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Và cho đến hôm nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và là chuẩn mực cho sự phát triển các phong trào thi đua yêu nước của chúng ta. Tinh thần và động lực thi đua yêu nước đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời, Người có nhiều bài viết, bài nói, lời căn dặn về thi đua và khen thưởng. Người nhìn thấy sức mạnh to lớn của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc và chỉ có tổ chức phong trào thi đua mới khơi dậy được hết sức mạnh này. Nói về ý nghĩa của phong trào thi đua, Bác nói: Thi đua là đoàn kết. Bởi vì, trong phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc Kinh, Thổ, Mán, Mường…; đủ các tín ngưỡng lương có, giáo có; đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh; đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai. Tất cả đều nhằm vào một mục đích chung là tăng gia sản xuất và giết giặc lập công. Người nói: Thi đua để tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết sẽ đẩy mạnh thi đua, đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ. Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; thi đua - khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày. Quan điểm của Người luôn gắn thi đua với yêu nước, người yêu nước thì phải thi đua và coi đây là phẩm chất đạo đức của người Việt Nam trong thời đại ngày nay. Người kết luận “Thi đua yêu nước là biểu hiện lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam, thi đua yêu nước là cốt cách, phẩm chất đạo đức của người Việt Nam yêu nước”. Thi đua cũng góp phần giúp cải tạo con người vì thi đua giữa người này với người khác, giữa đơn vị này với đơn vị khác sẽ động viên được mọi người phấn khởi làm ăn, tạo nên những gương người tốt, việc tốt. Qua thi đua tạo cho mỗi người tinh thần, ý thức trách nhiệm với công việc. Như thế thi đua thực sự đã cải tạo được con người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua
chống Mỹ cứu nước lần thứ IV -1966 ). Ảnh internet
Tháng 5/1952, tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Câu nói đó đã bao quát được toàn bộ những thần thái, tinh túy nhất của thi đua, và trở thành lời hịch, mệnh lệnh của trái tim, thôi thúc mỗi người hãy hành động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mỗi người dân là chiến sĩ trên các mặt trận khác nhau. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, quân và dân ta đã đem hết sức mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến vượt qua giai đoạn đầy nguy nan thử thách, bảo vệ được chính quyền cách mạng non trẻ. Với khẩu hiệu “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, các phong trào thi đua lao động sản xuất, phục vụ kháng chiến “làm cho mau nhất, tốt nhất, nhiều nhất”, “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”… được đẩy mạnh đã giúp cho chúng ta xây dựng được cơ sở vật chất, tự túc được lương thực, thực phẩm đảm bảo cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Có thể nói, phong trào thi đua đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ cầm cự chuyển sang phòng ngự, tiến tới phản công và kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước nhiều phong trào thi đua được phát động rộng khắp trong cả nước. Đồng bào ta từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, không phân biệt tôn giáo, lứa tuổi, dân tộc, giới tính đã đồng tâm, đồng lòng hưởng ứng các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…chi viện sức người, sức của để giải phóng miền Nam. Trong công cuộc kiến thiết xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, đã xuất hiện nhiều phong trào như “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong quân đội, “Tiếng trống Bắc Lý” trong giáo dục, “Thanh niên ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Phụ nữ ba đảm đang” trong phụ nữ… Các phong trào thi đua đó đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và thực sự trở thành sức mạnh to lớn góp phần vào sự nghiệp kiến thiết miền Bắc, giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước.
Tiếp nối các phong trào thi đua yêu nước trong lịch sử, bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào thi đua tiếp tục được duy trì, phát triển với những nội dung và hình thức mới phù hợp từng giai đoạn cách mạng. Hiện nay đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi các phong trào thi đua phải hướng tới mục tiêu này. Trong thời gian qua,Thủ tướng Chính phủ đã phát động trong cả nước các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang ngoài việc hưởng ứng các phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động còn tiếp tục phát động nhiều phong trào khác và đã đạt được nhiều kết quả như phong trào “Thi đua Quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”…Các phong trào thi đua được gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh và cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thông qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều phát minh, sáng chế, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và cộng đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng có sức lan tỏa trong phạm vi cả nước hoặc vùng miền. Một lần nữa khẳng định rằng, các phong trào thi đua yêu nước nhiều năm qua luôn là động lực của cách mạng, động lực của phát triển và đổi mới.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng với nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua, là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, tư tưởng của Người về thi đua yêu nước vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, sẽ đọng mãi trong tâm thức của lớp lớp các thế hệ người dân Viêt Nam. Đó không chỉ là bảo bối của dân tộc mà còn là hành trang trên con đường vạn dặm để đi tới xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Tác giả: Hoàng Huế (Sở Nội vụ)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn