Ngày 29/4/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Lấy ý kiến đối với Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, |
Dự án sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường gồm có 16 chương, 192 Điều, trong đó bãi bỏ nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được công tác quản lý, bảo vệ môi trường như: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược so với Luật Bảo vệ môi trường 2014. Theo đó, các chiến lược, kế hoạch không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Dự thảo Luật chỉ quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược là các quy hoạch theo quy định trong Luật Quy hoạch.
Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường như: Cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường; các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước…
Trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường trong thời điểm hiện nay. Đồng thời kiến nghị sửa đổi một số nội dung để phù hợp hơn với xu thế phát triển.
Tại Hội nghị, đồng chí Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu: Các ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 của tỉnh Bắc Kạn đã được Ban soạn thảo bổ sung đầy đủ vào Luật, do vậy, Bắc Kạn cơ bản nhất trí với các nội dung và cấu trúc của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, bất cập, chưa phù hợp của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cần phải làm rõ và cụ thể hơn một số nội dung giữa Luật Bảo vệ môi trường với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường cần quy định cụ thể về công tác quản lý môi trường tại địa phương trong việc san ủi đất đai, tạo mặt bằng của hộ gia đình, cá nhân để làm nhà và sản xuất kinh doanh…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đặt môi trường trở thành vấn đề trung tâm trong phát triển của đất nước. Trong dự thảo lần này có nhiều chính sách mang tính cách mạng với tư duy đổi mới, đặc biệt là có vai trò và tính pháp lý giúp các tỉnh, thành tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn, những vấn đề có tính lâu dài, chiến lược được quy định trong Dự thảo Luật khi được góp ý, tổng hợp sẽ tạo thuận lợi rất lớn để Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ sở đóng góp vào Nghị quyết Đại hội của Ngành trong những năm tới…/
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn