Ngày 03/4/2018, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIV do đồng chí Hà Ngọc Chiến - Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Bắc Kạn.
Dự buổi làm việc, về phía tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Nguyễn Văn Du - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lý Thái Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Đ/c Hà Ngọc Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, |
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương và địa phương về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Đề án phổ cập cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ; các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người học (hỗ trợ gạo, tiền ăn, nhà ở, miễn giảm học phí, cử tuyển…)
Các chính sách đã góp phần đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn. Từ nguồn kinh phí trên 56,3 tỷ đồng của Đề án đầu tư, hỗ trợ cho hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã xây mới 8 phòng học; 7 phòng học bộ môn; 48 phòng ở nội trú và 25 phòng khác.
Giai đoạn 2008 - 2012, toàn tỉnh thực hiện kiên cố hóa được 356 phòng học và 534 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí trên 187,2 tỷ đồng từ Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2012 - 2015 và lộ trình đến năm 2020 theo Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh được cấp nguồn kinh phí thực hiện kiên cố hóa 112 phòng học mầm non và 53 phòng học tiểu học với tổng số kinh phí 116.000 triệu đồng.
Hiện nay, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú có 14 trường, gồm 2 trường PTDT bán trú Tiểu học và 12 trường PTDT bán trú THCS; toàn tỉnh có 06 trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện.
Ngoài ra, Bắc Kạn còn thực hiện một số chính sách của địa phương như: Đề án xây dựng nhà ở nội trú dân nuôi và các công trình thiết yếu cho học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; chính sách hỗ trợ đối với học sinh bán trú; khen thưởng học sinh đạt giải trong các kỳ thi…
Theo đánh giá của tỉnh, việc áp dụng các chính sách trên đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh. Cơ sở vật chất của các trường học được đầu tư. Hệ thống trường Phổ thông Dân tộc nội trú và Phổ thông Dân tộc bán trú được củng cố. Học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đến trường, chế độ, chính sách cho các em được đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, tỷ lệ trên chuẩn cao. Chế độ ưu đãi cho giáo viên đang công tác tại các vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được đảm bảo, giáo viên nhiệt tình, yên tâm công tác. Chất lượng giáo dục được cải thiện, nâng dần tỷ lệ học sinh khá, giỏi, giảm dần tỷ lệ học sinh yếu, kém, học sinh bỏ học và lưu ban.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Kạn đã nêu ra một số khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời kiến nghị một số vấn đề như: Bổ sung vào Chương trình mục tiêu quốc gia nguồn kinh phí cho việc xây dựng nhà bán trú, các công trình thiết yếu cho học sinh bán trú vì nhu cầu học sinh ở bán trú nhiều nhưng cơ sở vật chất của các nhà trường không đáp ứng;
Đề nghị sửa đổi để thống nhất giữa Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc không thống nhất với Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Bổ sung biên chế cho các trường trên địa bàn tỉnh; có chế độ chính sách thu hút cho cán bộ, giáo viên làm việc tại vùng ATK; nghiên cứu chính sách đối với cán bộ công chức làm công tác quản lý tại Sở Giáo dục và Đào tạo; có thêm chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nội trú, bán trú…
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đề nghị tỉnh trao đổi, thảo luận một số nội dung như: Việc triển khai thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh; chính sách tín dụng cho học sinh dân tộc thiểu số; công tác đầu tư cho các điểm bán trú; đề xuất tiêu chí thành lập trường bán trú dân tộc miền núi; hiệu quả của việc triển khai thực hiện giáo dục mở và giáo dục liên thông; việc triển khai chính sách cử tuyển và đề xuất xây dựng chính sách cử tuyển hoặc ưu tiên đối với dân tộc thiểu số như thế nào cho hợp lý với tình hình hiện nay; chế độ lương cho nhà giáo; vấn đề phân luồng học sinh và lựa chọn sách giáo khoa; có nên tồn tại Trung tâm Học tập cộng đồng; công tác xã hội hóa trong ngành giáo dục… Các vấn đề đã được trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Du - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng, tạo thêm nguồn lực đáng kể giúp nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách trên địa bàn.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Hà Ngọc Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đánh giá cao công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đảm bảo đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sát sao của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng như đối với Ngành Giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục của tỉnh, thực hiện mục tiêu các dân tộc bình đẳng, phát triển.
Đồng chí trưởng đoàn cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại của tỉnh như: Nhu cầu về cơ sở hạ tầng, chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu... Để thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đồng chí đề nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh, thu hẹp các điểm trường, tăng số học sinh bán trú gắn với việc bố trí dân cư.
Với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng chí Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội ghi nhận và đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để có những điều chỉnh kịp thời về chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp, tạo động lực thúc đẩy phát triển giáo dục miền núi.
Trước khi làm việc với tỉnh, ngày 02/4, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Ngân Sơn và huyện Ba Bể.
Đoàn giám sát làm việc tại huyện Ba Bể |
Đ/c Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội trao tặng quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Ba Bể |
Dịp này, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã trao tặng 20 suất quà cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn hai huyện Ngân Sơn và Ba Bể./.
Tác giả: Hương Lan
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn