Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2019) là dịp để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đ/c Hoàng Văn Thụ (Ảnh tư liệu) |
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phan Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Tuổi thiếu niên, Hoàng Văn Thụ được học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Lạng Sơn. Trong thời gian học được chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926) đã thôi thúc Hoàng Văn Thụ cùng nhóm học sinh yêu nước trong Trường Tiểu học Pháp - Việt tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; rồi sau đó tham gia rải truyền đơn ở thị xã Lạng Sơn.
Tháng Giêng năm 1928, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc tham gia tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Đầu năm 1929, được giới thiệu vào làm việc ở “Tu giới sở”, thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật ở Long Châu và sau đó được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn.
Sau cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam, đồng chí được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo phát triển mở rộng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn. Đến đầu năm 1934, thay mặt Trung ương Đảng đồng chí Lê Hồng Phong tuyên bố thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn và phân công đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp phụ trách.
Giữa năm 1938, đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương.
Ngày 8/9/1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ vào đầu năm 1940.
Tháng 11 năm 1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa I). Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng.
Ngày 25/8/1943, Đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Mặc dù bị tra tấn cực hình, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn vững vàng trong tư thế hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản trung thành với Đảng, với đồng bào, đồng chí. Không khuất phục được ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, rạng sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã xử bắn đồng chí tại Tương Mai (Hà Nội), trong niềm đau thương vô hạn của đồng bào, đồng chí.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại những bài học quý báu. Đó là bài học về tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường giai cấp công nhân; bài học về phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản; bài học về tác phong của người lãnh đạo cách mạng.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ là dịp để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó, khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế./.
Tác giả: Hương Lan (tổng hợp)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn