Trải qua 119 năm, niềm tự hào về truyền thống cách mạng đã và đang hun đúc ý chí, quyết tâm, động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Anh dũng, kiên cường trong kháng chiến
Theo các nguồn sử liệu, năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Năm 1888, quân Pháp từ Cao Bằng xuống, từ Thái Nguyên lên đánh chiếm Bắc Kạn. Tới đâu giặc Pháp cũng vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân các dân tộc Bắc Kạn. Do vậy, mãi tới năm 1895, gần 40 năm sau kể từ khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp mới chiếm đóng được Bắc Kạn.
Sau khi chúng hoàn tất việc chiếm đóng và đặt ách cai trị lên phạm vi cả nước, ngày 11/4/1900, thực dân Pháp cắt phủ Thông Hóa, bao gồm châu Bạch Thông và huyện Cảm Hóa (nay là huyện Na Rỳ) khỏi tỉnh Thái Nguyên để thành lập tỉnh Bắc Kạn. Ngày 25/6/1901, thực dân Pháp cắt tiếp tổng Yên Đĩnh khỏi huyện Phú Lương, phủ Thông Hóa sáp nhập về châu Bạch Thông. Đến thời kỳ này, tỉnh Bắc Kạn có 5 châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Ngân Sơn, Na Rỳ, Chợ Đồn bao gồm 20 tổng, 105 xã với tổng số dân khoảng 36.000 người.
Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, Bắc Kạn cùng cả nước đứng lên làm cách mạng do Đảng dẫn đường chỉ lối. Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Kạn với vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng cùng với các tỉnh trong khu vực Việt Bắc đã trở thành “Thủ đô kháng chiến”. Trong chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông năm 1947), nhiều địa danh đã trở thành minh chứng lịch sử, gắn với những chiến công vang dội như Phủ Thông, Đèo Giàng...
Cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn được giác ngộ cách mạng đã sớm giành được chính quyền. Cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta buộc thực dân Pháp phải rút chạy, tháng 8 năm 1949 Bắc Kạn được giải phóng, đây cũng là thị xã đầu tiên trong cả nước được giải phóng. Sự kiện lịch sử vẻ vang này đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, trong thư có đoạn viết: “Trong cuộc trường kỳ kháng chiến của ta, lần này là lần đầu tiên một thị xã quan trọng đã được giải phóng. Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn”.
Sau ngày được giải phóng, quân và dân Bắc Kạn ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước.
Ngày 21/4/1965, tỉnh Bắc Kạn được sáp nhập với tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc chia lại địa giới hành chính của một số tỉnh trong đó Bắc Kạn được lập lại trên cơ sở các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, thị xã Bắc Kạn của tỉnh Bắc Thái và hai huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng. Ngày 1/1/1997, lễ công bố quyết định tái thành lập tỉnh Bắc Kạn được tổ chức trọng thể tại sân vận động trung tâm thị xã Bắc Kạn. Đến nay, Bắc Kạn có 8 huyện, thành phố với 122 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 30 vạn người gồm 7 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Lịch sử 119 năm đấu tranh xây dựng và phát triển của tỉnh Bắc Kạn là lịch sử của tinh thần yêu nước nồng nàn, tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, là ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, truyền thống ấy luôn được củng cố và phát huy qua các thế hệ và đến mãi mai sau.
Khai thác tiềm năng để phát triển
Không chỉ trung dũng, kiên cường trong kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn không ngừng phấn đấu và có những đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của cả nước trong thời đại đổi mới. Đặc biệt từ sau ngày tái lập tỉnh (năm 1997) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, tình hình chính trị của Bắc Kạn luôn ổn định tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hướng đến tương lai, tỉnh Bắc Kạn tập trung lãnh đạo khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, đưa Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.
Một góc thành phố Bắc Kạn
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra 4 chương trình trọng tâm đó là: Nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu, tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác cán bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào nông lâm nghiệp, du lịch, hạ tầng công cộng và một số dịch vụ công; nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn, giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân làm, nhà nước hỗ trợ”; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng.
Cụ thể hóa các chương trình trọng tâm, Tỉnh ủy đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các Chỉ thị, Đề án; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện.
Nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, đến nay Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng công tác cán bộ ngày càng được nâng cao. Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính được chú trọng thực hiện. Nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, du lịch, hạ tầng công cộng đã phát huy hiệu quả. Chương trình nông thôn mới có nhiều khởi sắc.
Từ một nền kinh tế thuần nông, tỉnh đã từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành một số diện tích cây trồng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất lâm nghiệp có bước phát triển mạnh, diện tích trồng rừng bình quân đạt trên 6.000ha/năm. Với độ che phủ rừng đạt trên 72,1%, Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh có nhiều tiến bộ, bắt đầu hình thành các phân ngành công nghiệp như chế biến khoáng sản, chế biến gỗ, nông sản.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Nhiều dự án, công trình giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hoá thông suốt giữa các vùng miền và đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị, nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị và nông thôn, tạo ra năng lực mới phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Thị xã Bắc Kạn đã trở thành thành phố vào năm 2015.
Bên cạnh đó, Hồ Ba Bể được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt đã tạo đà cho du lịch của tỉnh phát triển. Tổng lượng khách du lịch đến Bắc Kạn ngày càng tăng. Những năm gần đây mỗi năm đạt trên 480.000 lượt khách.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng - quân sự địa phương luôn được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững đã tạo môi trường để thu hút đầu tư phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
* * * * *
Trải qua 119 năm thành lập và phát triển, truyền thống dân tộc của quê hương cách mạng ngày càng được phát huy với tinh thần quyết tâm, nỗ lực cao của toàn đảng bộ, quân và dân các dân tộc để tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Tác giả: Hương Lan (tổng hợp)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn