20 năm, quãng thời gian không dài so với lịch sử 100 năm của tỉnh Bắc Kạn, nhưng đó là chặng đường có ý nghĩa đặc biệt, với những chuyển mình mạnh mẽ của một tỉnh được tái lập.
Thành phố Bắc Kạn ngày càng khang trang, sạch đẹp |
Ngày 06 tháng 11 năm 1996, tại Kỳ họp thứ X, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX đã thông qua nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó chia tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh là tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.
Lịch sử tỉnh Bắc Kạn đã có hơn trăm năm, nhưng đây là sự kiện quan trọng nhất, nó đánh dấu sự trở lại và phát triển của tỉnh từ nay về sau.
Ngày mới tái lập, tỉnh Bắc Kạn chỉ có 6 đơn vị hành chính gồm: Thị xã Bắc Kạn và các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể. Hai huyện Ngân Sơn, Ba Bể năm 1978 nhập vào tỉnh Cao Bằng nay chuyển giao trở về Bắc Kạn quản lý và 9 xã một thị trấn: Yên Hân, Yên Cư, Như Cố, Bình Văn, Quản Chu, Yên Đĩnh, Thanh Bình, Nông Hạ, Nông Thịnh, và thị trấn Chợ Mới thuộc huyện Phú Lương, thuộc tỉnh Thái Nguyên cũng được chuyển giao về huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn quản lý. Tỉnh Bắc Kạn có diện tích 4.795,54 km2, với số dân tại thời điểm tái lập tỉnh là 268 nghìn người. Tỉnh lỵ là thị xã Bắc Kạn.
Nghị quyết của Quốc hội đã thể hiện đúng nguyện vọng lâu nay của nhân dân các dân tộc Bắc Kạn, làm náo nức lòng người. Ngày 1/1/1997, Lễ mít tinh công bố các quyết định thành lập tỉnh được tổ chức trọng thể tại sân vận động thị xã Bắc Kạn, trong không khí vui mừng phấn khởi, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân. Sự kiện này đã đi vào lịch sử và là mốc son quan trọng đánh dấu chặng đường mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn.
Đẩy mạnh học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh |
Vui mừng vì tỉnh được tái lập, song đảng bộ, quân và dân Bắc Kạn không khỏi có những lo âu. Bởi ngày đầu tái lập tỉnh, Bắc Kạn đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức. Kinh tế thấp kém, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn rất thấp. Hầu hết dân số sống bằng nghề nông nhưng trình độ canh tác còn rất lạc hậu, công nghiệp hầu như chưa có gì; mạng lưới giao thông, điện lực thấp kém…
Khi mới tái lập tỉnh, Bắc Kạn nghèo và khổ, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, chỉ có quốc lộ 3 là trục giao thông chính của tỉnh; toàn tỉnh không có điện lưới quốc gia; trường học chủ yếu là tranh tre nứa lá; trạm y tế chỉ có bệnh viện B rất bé nhỏ…
Hơn hai mươi năm thuộc tỉnh Bắc Thái, lại trong thời kỳ đất nước chiến tranh, thiếu thốn, nên vùng đất Bắc Kạn gần như không có sự đầu tư nào đáng kể. Ngay thị xã tỉnh lỵ cũng chỉ là một đoạn phố nghèo trên quốc lộ 3, hạ tầng thấp kém…Nay thành lập lại tỉnh, việc xây dựng hầu như bắt đầu từ con số không. Được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ ngành, tỉnh bạn, toàn đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn vững tin đi vào xây dựng quê hương. Hơn 26 vạn người thuộc 7 dân tộc anh em ở Bắc Kạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống đoàn kết cùng thi đua trên mọi lĩnh vực.
Mở mới tuyến đường Thái Nguyên- Chợ Mới |
Là tỉnh miền núi, vùng cao việc xác định lấy sản xuất nông, lâm nghiệp là hướng phát triển chính để ổn định đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo là hết sức đúng đắn và phù hợp. Chủ trương đó đã mang lại những đổi thay cho Bắc Kạn, tạo thế và lực cho phát triển đi lên..
Vạn sự khởi đầu nan, kết quả bước đầu dù rất khiêm tốn nhưng là sự khẳng định niềm tin vào chủ trương đúng, có tác dụng to lớn để cổ vũ nhân dân thi đua lao động sản xuất. Kinh tế nông nghiệp, công nghiệp thực sự có chuyển biến theo từng năm.
Năm 1997, tổng sản lượng lương thực chỉ có 81.000 tấn, bình quân lương thực đầu người 270kg/người/năm; giá trị sản lượng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 22 tỷ 800 triệu đồng. Sang năm 1998, tăng trưởng kinh tế đạt 7%; Tổng sản lượng lương thực trên 85.000 tấn; Bình quân lương thực mõi người dân gần 300kg/năm. Đến những năm 2000-2005, bình quân lương thực đạt trên 400kg/người/năm; giai đoạn 2006-2010 trên 500kg/người/năm. Đến nay sản lượng lương thực của tỉnh đã đạt 185.000 tấn, bình quân lương thực trên 600kg/người/năm. Nhiều vùng chuyên canh cây đặc sản, mô hình sản xuất tiên tiến đã phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho nông dân…
20 năm qua, kể từ ngày tái lập tỉnh, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được đánh giá đúng và từng bước được phát huy. Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ X, XI luôn xác định kinh tế nông, lâm nghiệp giữ vai trò chủ đạo, là nền tảng, tạo nguồn lực cho phát triển tỉnh nhà. Nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế được mở ra, đem lại hiệu quả thiết thực.
Bắc Kạn giờ đây, đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những nguồn lực từ kinh tế nông- lâm nghiệp, với diện tích rừng ngày một tăng, nâng độ che phủ rừng của tỉnh Bắc Kạn lên trên 71%, là đã một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất toàn quốc. Phong trào làm kinh tế từ trồng rừng đã trở nên rộng khắp, từ năm 2011 – 2015, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng được hơn 11.000ha rừng. Rừng trồng trở thành nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, tiến tới thực hiện mục tiêu của tỉnh là xây dựng ngành kinh tế lâm nghiệp mang tính hàng hoá cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ trong nước và xuất khẩu.
Là tỉnh có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển một tập đoàn cây trồng, vật nuôi đa dạng, đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc. Đây là lợi thế cho một nền nông nghiệp sinh thái, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm chất lượng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Những ngày đầu mới tái lập tỉnh, nhân dân Bắc Kạn còn lo thiếu ăn, đến nay không những đã đảm bảo an ninh lương thực mà còn tiến tới phát triển thành cây trồng hàng hóa với các giống lúa thuần của địa phương có chất lượng cao như Gạo Bao thai Chợ Đồn, Khẩu nua lếch Ngân Sơn... Các cây ăn quả đặc sản của Bắc Kạn như Hồng không hạt, cam, quýt đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Với 2.200ha diện tích cam, quýt, tổng sản lượng đạt trên 15.000 tấn, đã mang lại giá trị hàng 100 tỷ đồng mỗi năm cho người nông dân.
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội Bắc Kạn được quan tâm đầu tư, đến nay 100% các xã có đường ô tô, có điện lưới quốc gia, trạm y tế; cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp giáo dục ngày càng được tăng cường, giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Hàng năm tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 32,13% năm 2011 xuống còn 11,63% năm 2015, theo chuẩn nghèo đa chiều là 29,4%; bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng đổi mới. Thực hiện chương trình lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, xã Quân Bình (Bạch Thông) là xã đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh có nhiều xã xã đạt từ 15-16 tiêu chí; 37 xã đạt 10-14 tiêu chí; 67 xã đạt 5-9 tiêu chí…Bình quân mỗi xã đạt 8,4 tiêu chí.
Nông thôn đổi mới, đô thị phát triển. Thị xã, thị trấn dược đầu tư, nâng cấp, các trung tâm cụm xã mọc lên. Đặc biệt, ngày 11/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập các phường Huyền Tụng, Xuất Hóa thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập Thành phố Bắc Kạn. Đó là sự ghi nhận của Trung ương đối với những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn nói chung và thành phố Bắc Kạn nói riêng, là sự kiện đánh dấu mốc phát triển của thành phố trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh.
So với những ngày đầu tái lập tỉnh, đến nay Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng- an ninh. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức; hoạt động của cấp uỷ, chính quyền theo hướng gần dân, sát dân và thân dân.
Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự nỗ lực cao của đảng bộ và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. tỉnh. Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn không bao giờ quên công lao của các thế hệ lãnh đạo tỉnh- những người đã đem hết trí tuệ, sức lực cống hiến cho tỉnh nhà, vạch ra đường hướng để đưa Bắc Kạn vững bước đi lên:
Có thể nói, thực hiện công cuộc xây dựng quê hương, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã luôn vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, phát huy truyền thống đoàn kết trong toàn Đảng, trong toàn dân, chăm lo xây dựng và phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đến nay, Bắc Kạn có một thành phố và 7 huyện; dân số toàn tỉnh trên 30 vạn người, là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em... Với tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh; cần cù, kiên nhẫn trong lao động sản xuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, nhân dân Bắc Kạn đã và đang từng ngày lập nên những thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
20 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự động viên của các địa phương khác trong cả nước; sự vượt khó với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã giành được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Hình ảnh mảnh đất, con người Bắc Kạn ngày càng tươi đẹp hơn.
Với những thành tích đã đạt được trong 20 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý và đúng dịp kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh, đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn long trọng đón nhận Huân Chương Độc lập Hạng Nhất do Nhà nước trao tặng.
Bắc Kạn hôm nay đã thực sự đổi thay so với ngày đầu mới tái lập tỉnh, tuy chưa thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nhưng những gì đạt được đã làm bừng lên sức sống mới của cả một vùng quê cách mạng trong lòng Việt Bắc. Thế và lực của tỉnh đã và đang ngày một được củng cố, tiếp tục vươn tới những thành công to lớn hơn trong những năm tiếp theo.
Bắc Kạn hôm nay đang bước vào thời kỳ mới với thế và lực mới, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ phái trước còn rất nặng nề, đòi hỏi đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Kạn phải nỗ lực cao hơn. Với thành tựu đạt được của 20 năm qua, sự đoàn kết nhất trí của toàn đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng, Bắc Kạn sẽ vững bước đi lên trên con đường đổi mới.
Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bắc Kạn có một khí thế quyết tâm mới. Các cấp uỷ, chính quyền đổi mới phong cách làm việc, quyết liệt, sát sao hơn, thể hiện sự quyết tâm cao trong lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Phát huy những truyền thống đoàn kết, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất và những tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bắc Kạn quyết tâm xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, từ đó tập trung thực hiện những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Hoàng Đức
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn