Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, đồng bào dân tộc Mông có trên 21.000 người, chiếm khoảng 5,6% dân số, sinh sống đan xen với các dân tộc khác ở 108 thôn, bản của 35 xã, thị trấn. Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với dân tộc Mông, qua đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông từng bước được cải thiện; niềm tin với Đảng và Nhà nước được củng cố và nâng lên.
Những năm qua, thực hiện Thông báo Kết luận số 64-TB/TW ngày 9/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông” (Kết luận số 64-TB/TW), các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chính sách dân tộc của Nhà nước được triển khai thực hiện, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Nhờ đó, kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông có bước cải thiện; bộ mặt khu dân cư có nhiều thay đổi; một bộ phận các hộ đồng bào dân tộc Mông xoá được nhà tạm, nhà dột nát, có đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định...
Đoàn viên, thanh niên huyện Ngân Sơn tham gia làm đường tại thôn Lũng Lịa, huyện Ngân Sơn |
Xác định kết cấu hạ tầng phải đi trước để tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, 10 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các khu dân cư đồng bào Mông, thực hiện các dự án bố trí dân cư ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai và vùng đặc dụng Vườn Quốc gia Ba Bể. Từ năm 2013 đến 2016, Bắc Kạn đã thực hiện phương án bố trí dân cư xen, ghép và ổn định tại chỗ tại 02 huyện Ba Bể và Pác Nặm, trong đó có các hộ gia đình người Mông. Đối với Dự án khu tái định cư đồng bào Mông thôn Khuổi Có, xã Lương Thượng, huyện Na Rỳ, tỉnh đã bố trí chỗ ở, đất sản xuất cho 44 hộ đều là người dân tộc Mông. Cùng với đó, Bắc Kạn đã triển khai lồng ghép các chương trình, dự án khác để hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc Mông như: Dự án trồng rừng theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015; dự án hỗ trợ, mở rộng diện tích các loại cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; các chương trình, đề án về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc Mông cũng được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các chương trình phát triển giáo dục, trong có vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 16 trường Phổ thông dân tộc bán trú, góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc cho tỉnh. Mạng lới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và phát triển, các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được thực hiện có hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và đồng bào người Mông nói riêng luôn được quan tâm, chú trọng thông qua các đợt truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng triển khai đến tận thôn, bản. Hiện tại, cả tỉnh có 48 nhân viên y tế làm việc tại các thôn, bản người Mông, đồng thời, đội ngũ y tế dự phòng và các trạm y tế luôn chủ động giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc Mông… Qua đó, nhận thức của đồng bào Mông về phòng bệnh, phòng dịch, vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gia đặc sắc, độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi chiếu phim phục vụ tại các xã vùng cao, trong đó có lồng ghép các bộ phim tư liệu bằng tiếng Mông, các buổi lưu diễn văn nghệ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Mông; biên soạn, xuất bản tờ rơi tuyên truyền về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông; sản xuất băng đĩa ca nhạc “một số làn điệu dân ca của người Mông tỉnh Bắc Kạn”, đĩa phim “Mèn mén của người Mông”, phim “múa khèn của người Mông”… Qua đó giúp người Mông nâng cao ý thức duy trì bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ các phong tục lạc hậu.
Ông Lý Văn Mình - Công an viên, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số và là người có uy tín thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm cho biết: Thôn có 90 hộ đều là người dân tộc Mông. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương, thôn Cốc Nghè đã được thụ hưởng nhiều chính sách, được đầu tư về cơ sở hạ tầng như điện, phân trường cho học sinh mầm non, tiểu học, được xây dựng nhà họp thôn; thường xuyên được các cấp, hội, đoàn thể tuyên truyền về các chính sách định canh, định cư; các hộ dân được tạo điều kiện để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đời sống kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng bào người Mông chủ yếu sinh sống trên núi cao, ở vùng sâu, vùng xa, không tập trung, giao thông đi lại không thuận lợi, khó tiếp cận các dịch vụ, thông tin về phát triển kinh tế - xã hội, y tế, văn hóa, hơn nữa trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Nhiều tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại…
Đường giao thông vào các thôn, bản người Mông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn hết sức khó khăn (Đường vào thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm) |
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Thị Lộc cho biết: Để công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tiếp theo, tỉnh bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo đối với vùng đồng bào Mông, trong đó tập trung vào công tác giảm nghèo, định canh, định cư, công tác quản lý hộ tịch, nhân khẩu; đảm bảo an ninh chính trị; tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đất và nước sản xuất; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào Mông; chú trọng xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc Mông, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Mông; tăng cường các hoạt động học tập, xóa mù chữ, tích cực đưa thông tin về vùng có đồng bào dân tộc Mông để nâng cao trình độ dân trí, nâng cao nhận thức về chính trị, văn hóa - xã hội cho đồng bào Mông…/.
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn