Tròn 22 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (01/01/1997- 01/01/2019), với những nỗ lực vượt khó vươn lên, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Ngày 06 tháng 11 năm 1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 10 đã phê chuẩn việc chia tách tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Ngày 01 tháng 01 năm 1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức được tái thành lập, đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới của Bắc Kạn trên con đường xây dựng và phát triển.
Khi mới tái thành lập, tỉnh Bắc Kạn đứng trước rất nhiều khó khăn. Toàn tỉnh còn 25% số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; 2 huyện và 102 xã chưa có điện lưới quốc gia; 93 xã chưa có sóng điện thoại; 71% số phòng học tranh tre, nứa lá, 36% số xã chưa đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Thu ngân sách toàn tỉnh mới đạt hơn 17 tỷ đồng. Tỷ lệ đói nghèo chiếm trên 50%. Toàn tỉnh còn 170 thôn, bản và 37 trường học chưa có đảng viên.
Người nông dân mạnh dạn đưa các giống mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản
Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và sự chia sẻ của các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, đồng sức, đồng lòng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương.
Từ một tỉnh nghèo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sau 22 năm đã có sự đổi thay, chuyển mình vươn lên, đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Tổng giá trị gia tăng theo giá hiện hành năm 2018 ước đạt hơn 9.700 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng, tăng trên 20 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, tăng cả quy mô, năng suất và sản lượng. Lương thực bình quân đầu người hiện nay đạt 553kg/năm. Chương trình nông thôn mới được quan tâm đầu tư. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh dự kiến có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ một nền kinh tế thuần nông, tỉnh đã từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành một số diện tích cây trồng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã có 5 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Sản xuất lâm nghiệp có bước phát triển mạnh, diện tích trồng rừng bình quân đạt trên 6.000ha/năm. Với độ che phủ rừng hiện nay đạt 72,1%, Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh có nhiều tiến bộ, công nghiệp chế biến khoáng sản, chế biến gỗ, nông sản mang lại nguồn thu đáng kể cho địa phương.
Một góc thành phố Bắc Kạn hôm nay |
Bứt phá đáng kể của tỉnh Bắc Kạn trong 22 năm qua là xây dựng phát triển hạ tầng. Nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị và nông thôn, tạo ra năng lực mới phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Trong đó, trung tâm của tỉnh - thị xã Bắc Kạn đã trở thành thành phố vào năm 2015. Các khu cơ quan hành chính, các khu chức năng, giao thông nội thị, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường… được chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ.
Mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Bắc Kạn không ngừng được đầu tư phát triển. Hiện nay, tỉnh có hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường thôn xóm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Điểm nhấn trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông 22 năm qua là tuyến đường Chợ Mới - Thái Nguyên được đầu tư xây dựng, rút ngắn khoảng cách của Bắc Kạn với các tỉnh khác.
Tuyến đường Chợ Mới - Thái Nguyên được đầu tư xây dựng |
Tỉnh Bắc Kạn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh. Năm 2012, Hồ Ba Bể được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt đã tạo đà cho du lịch Bắc Kạn phát triển; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng gấp gần 80 lần so với thời kỳ đầu tái thành lập tỉnh.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm đầu tư, mạng lưới giáo dục được mở rộng, chất lượng đào tạo được nâng cao. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được cải thiện đáng kể…
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng quân sự địa phương luôn được chú trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, nhất là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng được đổi mới.
Với những thành tích đạt được, tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Tỉnh Bắc Kạn vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng nhân dân và cán bộ tỉnh Bắc Kạn đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Đây là sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn trong thời gian qua, đồng thời cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Bắc Kạn tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Những kết quả đạt được của chặng đường 22 năm qua sẽ tạo đòn bẩy vững chắc để Bắc Kạn tiếp tục tiến bước trên chặng đường mới, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh trong khu vực và trên cả nước./.
Tác giả: Hương Lan
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn