Tại trang trại, anh Lê Văn Mão (SN 1987, ở xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đang tất bật chăm sóc đàn lợn rừng hàng trăm con của mình.
Gạt mồ hôi chảy dài trên mặt, anh Mão vừa làm vừa kể: "Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên từ nhỏ tôi đã có sở thích với nghề chăn nuôi. Sau 5 năm đi xuất khẩu lao động, 2017 tôi trở về nước rồi quyết định mở trang trại nuôi lợn rừng trên chính mảnh đất của mình".
Nhờ có chút vốn liếng, cuối năm 2017, anh Mão đầu tư 10 con lợn rừng nái làm giống, một con lợn rừng đực, cùng hệ thống chuồng trại hơn 100 triệu đồng. Chỉ một năm sau, đàn lợn phát triển mạnh với hàng chục con. Một năm sau ngày nuôi thử nghiệm, anh nhận thấy đàn lợn không bệnh tật, phát triển nhanh, phù hợp với môi trường nên đã quyết định đầu tư thêm chuồng trại, khu vực chăn nuôi.
"Từ 10 con lợn nái, sau thời gian 5 tháng đã sinh được hơn 70 con lợn con. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng lo thất bại nhưng qua học hỏi từ các mô hình chăn nuôi trên mạng, tôi cũng tích lũy được kiến thức, hiểu biết để chăm đàn lợn", anh Mão cho biết thêm.
Hiện, ngoài khu vực cho lợn mẹ sinh sản, anh Mão còn đầu tư thêm khu nuôi lợn thương phẩm.
"Nuôi lợn rừng vất vả hơn lợn bình thường rất nhiều. Ngoài các bữa chính phải thêm các loại thức ăn như chuối, ngô, cỏ sữa… và đặc biệt là chè khổng lồ. Loại chè khổng lồ chính là thảo dược giúp đàn lợn tăng sức đề kháng, cung cấp thêm nhiều chất đạm", anh Mão cho biết.
Cũng theo anh Mão, trung bình mỗi năm lợn rừng đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 6-8 con. Khi lợn con được 2 tháng tuổi thì bắt đầu chuyển ra khu nuôi thương phẩm để chăm sóc, sau hơn một năm thì xuất bán.
Hiện nay, tổng đàn lợn của anh đã đạt 150-200 con. Trong đó, anh Mão luôn duy trì 26 con lợn hậu bị để chọn làm lợn nái đẻ.
Để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi lợn rừng, anh Mão xử lý khép kín bằng hệ thống hầm biogas, vừa giúp khử mùi hôi, vừa tận dụng được khí gas để đun nấu.
Lợn rừng có thịt chắc, thơm ngon, mỡ ít và giòn. Ngoài ra, loại lợn này có sức đề kháng mạnh, thích ứng tốt với khí hậu khắc nghiệt. Giống lợn này nhỏ con, chỉ cần đạt đến trọng lượng 30kg hơi là đã có thể khai thác thịt.
Hiện, lợn rừng có giá hơi 130.000-150.000 đồng/kg, lợn con làm giống từ 2-4 triệu đồng/con. Mỗi năm trừ chi phí, anh Mão thu về 300 triệu đồng từ việc bán lợn. Hiện nay, nhiều thương lái đã gọi điện đặt hàng cho dịp Tết sắp tới.
Bên cạnh đó, anh cũng đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, kênh tiêu thụ, đồng thời tự túc việc giết mổ, sơ chế, cung ứng thịt đến các địa chỉ đặt hàng qua điện thoại, mạng xã hội hay cơ sở, quán ăn, nhà hàng trong và ngoài địa phương.
Trao đổi về mô hình trang trại lợn rừng, một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ cho biết, giống lợn rừng bản địa được nuôi tự nhiên trong môi trường thoáng sạch, kết hợp với thức ăn hữu cơ như cùi bắp xay và các loại rau tự nhiên, đặc biệt là lá chè khổng lồ chứa hàm lượng đạm cao giúp thịt ngon, thơm.
"Trang trại chăn nuôi lợn rừng của anh Lê Văn Mão không phải là mô hình đầu tiên trên địa bàn nhưng trong những năm qua anh ấy đã làm rất hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn người dân học tập, đầu tư để phát triển kinh tế từ loại lợn này", vị cán bộ này cho biết thêm.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn