Vì sao ngày 6 tháng 1 năm 1946 được chọn là ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà?

Thứ ba - 05/01/2021 02:17

Sắc lệnh số 14 ngày 08/9/1945 của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.   Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ 01, tờ 16.

Sắc lệnh số 14 ngày 08/9/1945 của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ 01, tờ 16.
Sắc lệnh số 76-SL ngày 18/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng.

Sau cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Lâm thời đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ Chính thức [1]”.

    Ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…[2]”.
 

Ngày 08/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ông Võ Nguyên Giáp (khi ấy là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) đã ký Sắc lệnh số 14 - Sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội, đặt nền móng cho sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 [3].

    Tiếp đó, Chính phủ Lâm thời đã ban hành một loạt Sắc lệnh để xúc tiến các công việc chuẩn bị cho việc Tổng tuyển cử: Sắc lệnh số 39-SL; Sắc lệnh số 51-SL; Sắc lệnh số 71-SL; Sắc lệnh số 72-SL.

    Việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hết sức khó khăn, vừa phải kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng [4]. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước lúc bấy giờ, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên không phải là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc hết sức gay go, phức tạp và quyết liệt.

    Bởi vậy, cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách). Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho tổng tuyển cử; đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các nhân sĩ có đủ thời giờ để nộp đơn và vận động tranh cử, và sau khi Hội đồng Chính phủ đồng ý, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký Sắc lệnh số 76-SL về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử.

Sắc lệnh số 76-SL ngày 18/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ 01, tờ 125.

    Sắc lệnh số 76-SL nêu rõ“Cuộc tổng tuyển cử trong toàn cõi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để bầu đại biểu dự vào Quốc dân Đại hội, trước định mở vào ngày 23 tháng 12 năm 1945, nay hoãn đến ngày chủ nhật 6 tháng 1 năm 1946 [5]”. Theo đó, ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được ấn định lại vào ngày này. Sắc lệnh này cũng quy định hạn nộp đơn ứng cử định đến hết ngày 27/12/1945. Tuy nhiên, những tỉnh nào nhận được chậm Sắc lệnh này, không đủ thì giờ để thông tri cho tất cả các làng, thì Uỷ ban nhân dân tỉnh ấy được phép cứ tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 23/12/1945 và sẽ báo cáo ngay với Bộ Nội vụ.

    Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đã diễn ra trong cả nước kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%) [6] và Người đã được đề nghị suy tôn là người công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [7].

Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã hoàn toàn thắng lợi. Đó là kết quả của sự đoàn kết toàn dân, lòng yêu nước đồng thời khẳng định sự tin tưởng  tuyệt đối của nhân dân với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Đáp từ của Quốc Hội tại buổi họp toàn thể đại hội lần thứ nhất ngày 2/3/1946 do ông Nguyễn Đình Thi đọc có ghi: “Chính quyền vừa giành được, nền dân chủ cộng hòa đã xây đắp ngay, chế độ phổ thông đầu phiếu được thi hành, và cuộc tổng tuyển cử ngày 6 tháng giêng  năm 1946 đã lập nên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam”[8].

---------------------

Chú thích:

1. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 30.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946), Nxb Chính trị Quốc gia,  Hà Nội, năm 1995, tr. 8.

3. https://luutru.gov.vn/sac-lenh-so-14-nam-1945-ve-cuoc-tong-tuyen-cu-de-bau-quoc-dan-dai-hoi.htm

4. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 32.

5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ 01, tờ 125.

6. https://bachthong.backan.gov.vn/Pages/tin-tuc-su-kien-318/tong-tuyen-cu-bau-quoc-hoi-d-5dc726fc2d2433d7.aspx

7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Quốc hội, hồ sơ 04, tờ 8.

8. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Quốc hội, hồ sơ 03, tờ 45.

 

Theo: https://luutru.gov.vn/

Tác giả: Trần Thị Hoàn (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây