Trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2018 tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định đã quyết liệt hoàn thiện thể chế theo hướng thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và bảo đảm thực thi nghiêm minh. Các nghị định có nhiều bất cập được sửa đổi theo hướng áp dụng trình tự rút gọn, một nghị định sửa nhiều nghị định theo nhóm vấn đề, tăng phân cấp và trách nhiệm cho bộ, ngành, địa phương.
“Khẳng định sự quan tâm sâu sắc tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân và công nhân, lần đầu tiên Thủ tướng đã đối thoại với hơn 600 nông dân tiêu biểu với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới"; đối thoại lần thứ ba với gần 1.000 công nhân lao động trong khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề: “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.
Xác định nhiệm vụ mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó ban hành 2 nghị định cắt giảm, đơn giản hóa hơn 700 điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành Công Thương, Y tế. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, 90% sản phẩm doanh nghiệp được phép tự công bố, tiết kiệm 7,7 triệu ngày công, tương đương trên 3.100 tỷ đồng. Lĩnh vực khoa học, công nghệ đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa sang áp dụng cơ chế hậu kiểm”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Bên cạnh đó, qua website Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp, đã tiếp nhận 389 kiến nghị của doanh nghiệp, đã chuyển 256 đến các cơ quan có thẩm quyền, có 180 kiến nghị được trả lời doanh nghiệp; tiếp nhận và chuyển 113 kiến nghị của người dân đến Bộ, cơ quan, đã xử lý có kết quả 96 kiến nghị. Hầu hết, người dân và doanh nghiệp hài lòng với kết quả giải quyết của các Bộ, cơ quan.
Trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, gắn kết giữa cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử. Mô hình một cửa, một cửa liên thông được triển khai mạnh mẽ, đã có 30 Trung tâm hành chính công được thành lập hiện đại với 2 mô hình (trực thuộc UBND tỉnh hoặc Văn phòng UBND tỉnh).
Bên cạnh đó, đã tinh giản biên chế các cơ quan hành chính gần 4.300 người, đơn vị sự nghiệp công lập trên 24.700 người, công chức cấp xã 5.770 người. Sắp xếp giảm 15 Vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc Vụ, Cục. Riêng Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng không còn 6 Tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp Cục còn 60, giảm 20 Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
“Chính phủ tổ chức hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; chỉ đạo lập kế hoạch giải quyết từng vụ việc; chấn chỉnh việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại giải quyết vụ việc. Đồng thời rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp, nhất là các quy định về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại… để bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận chất lượng xây dựng thể chế chưa đáp ứng yêu cầu, việc chuẩn bị một số dự án luật còn chậm, phải xin lùi tiến độ; có dự án luật hồ sơ chưa đúng quy định. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn trong quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp.
“Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả, nhất là việc phối hợp xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá, chưa mạnh mẽ trong việc đề xuất phân cấp gắn với kiểm tra giám sát và trách nhiệm người đứng đầu”- ông nói.
Những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhiều nơi thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, đến khi được kiểm tra, đôn đốc mới tập trung thực hiện.
“Kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; có lúc, có nơi còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống, để xảy ra sự việc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam”- ông Dũng chỉ rõ.
Văn phòng Chính phủ đi đầu về văn phòng điện tử "không giấy tờ"
Để khắc phục những hạn chế, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện thể chế cơ bản cho xây dựng Chính phủ điện tử, như: kết nối, chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử; lưu trữ điện tử; triển khai các giải pháp công nghệ, hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, thiết lập hệ thống thông tin nền tảng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; hạn chế phương thức giải quyết thủ công; dành nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử, điều chỉnh cơ chế đầu tư phù hợp với đặc thù lĩnh vực công nghệ thông tin và huy động nguồn lực xã hội; thay đổi thói quen và tạo sự đồng thuận, đặc biệt là có cơ chế bảo đảm thực thi.
"Thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về xây dựng Chính phủ điện tử, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương. Thủ tướng đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phải là cơ quan đi đầu về văn phòng điện tử "không giấy tờ". Trước mắt, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử thông qua hệ thống kết nối, liên thông các phần mềm do Văn phòng Chính phủ chủ trì; triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng các dịch vụ công trực tuyến theo đúng lộ trình"- ông Dũng thông báo.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn