Toàn cảnh Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 10-NQ/TU), Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND) và Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được các sở, ngành, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Sau 2 năm rưỡi triển khai thực hiện các Nghị quyết, Đề án, tốc độ phát triển bình quân ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,76%, đạt 107% kế hoạch (KH), tăng 27% so với giai đoạn 2016 - 2020; an ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 551kg/người/năm, đạt 110,2% so với KH; diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng có giá trị cao đạt 423 ha; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 73,4%,….
Các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện khảo sát, lựa chọn một số cây trồng, vật nuôi xây dựng mô hình liên kết đối với các nhóm sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị kinh tế cao, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tại địa phương. Tiêu biểu như cây bí xanh thơm được trồng tập trung ở huyện Ba Bể, diện tích trung bình trong 3 năm (2021 - 2023) đạt 193 ha, sản lượng đạt trên 6.700 tấn; diện tích sản xuất gạo chất lượng đạt 4.350 ha với sản lượng thóc trên 18.000 tấn, tương ứng 12.400 tấn gạo…
Trong phát triển chăn nuôi, toàn tỉnh thực hiện được 12 dự án liên kết về chăn nuôi, đạt 92% KH. Tổng đàn vật nuôi trong 2 năm qua cơ bản ổn định về đầu con, năng suất tăng dần theo từng năm, đàn đại gia súc đạt 97% KH, đàn lợn đạt 109% KH, đàn gia cầm đạt 80% KH, sản lượng thịt hơi các loại bình quân đạt 22.748 tấn/năm, đạt 76% KH.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Bắc Kạn) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 24 xã đạt chuẩn NTM, đạt 42% KH; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 11% mục tiêu Nghị quyết, có 53 thôn đạt chuẩn NTM đạt 30% kế hoạch; bình quân mỗi xã đạt 12,45 tiêu chí/13 tiêu chí theo mục tiêu Đại hội, trong đó đạt 19 tiêu chí có 18 xã, đạt 15 - 18 tiêu chí có 4 xã, đạt 10 - 14 tiêu chí có 61 xã và đạt 5 - 9 tiêu chí có 33 xã.
Chương trình OCOP đạt nhiều kết quả tích cực, lan tỏa và thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, thúc đẩy ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; số lượng sản phẩm tham gia, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 182 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó: 181/200 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, đạt 90,5% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; 1/2 sản phẩm OCOP 5 sao, đạt 50% mục tiêu Nghị quyết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số chỉ tiêu đạt thấp như: Diện tích thâm canh cải tạo, diện tích đạt chứng nhận về ATTP hoặc VietGAP, hữu cơ đạt thấp, đặc biệt là diện tích đạt chứng nhận hữu cơ, diện tích được cấp mã số vùng trồng của các cây trồng theo kế hoạch giao chưa thực hiện; diện tích dong riềng từ năm 2020 - 2022 đều không đạt kế hoạch giao; diện tích cây lâm nghiệp thực hiện để cấp chứng chỉ FSC chưa thực hiện được; đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ đạt 29% KH của 2 năm…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Duy Diệp phát biểu ý kiến thảo luận |
Tại Hội nghị, các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện những mục tiêu của các Nghị quyết, Đề án. Trong đó, thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân những chỉ tiêu chưa đạt và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới; rà soát, cho ý kiến đối với những chính sách trong Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần có giải pháp tổ chức, lựa chọn chính sách thực hiện để sớm đạt mục tiêu các Nghị quyết, Đề án đã đề ra. Trong đó, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung tổ chức sản xuất, quan tâm phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; tập trung chỉ đạo cán bộ chuyên môn của các phòng, ban cấp huyện, cán bộ nông lâm cấp xã hướng dẫn người dân thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ nông lâm cấp xã; tiếp tục rà soát lại các chính sách Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đánh giá thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp và kinh tế tập thể, hợp tác xã cấp tỉnh và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết, Đề án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại với nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường thực hiện nhiệm vụ được phân công, trong đó tăng cường tuyên truyền, đôn đốc triển khai thực hiện các Nghị quyết, thăm nắm cơ sở, tham gia các giải pháp cụ thể thuộc ngành, đơn vị mình thực hiện.
Trên cơ sở báo cáo và các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị cụ thể. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các thông tin, số liệu đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết, Đề án cũng như những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới; Văn phòng Điều phối NTM cần tích cực, chủ động hơn trong tham mưu thực hiện, hướng dẫn, hỗ trợ các lực lượng liên quan trong thực hiện chính sách của các Nghị quyết…
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực hơn nữa trong tham gia thực hiện những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Đề án…/.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn