Những con “quạ sắt” quấy nhiễu bộ đội Trường Sơn
Cảm giác vô cùng đau buồn tiếc thương như vừa mất mát điều gì đó hết sức to lớn trong cuộc đời, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) nói về cảm giác khi hay tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh Trường Sơn anh hùng, người thủ trưởng mà ông luôn kính trọng - vừa qua đời.
Tuyến đường Trường Sơn là tuyến chi viện chiến lược cho tiền tuyến, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với nhiều năm là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với đường Trường Sơn huyền thoại vào những tháng năm chiến tranh ác liệt nhất.
Thiếu tướng Hoàng Kiền kể, năm 1971 là những tháng ngày cam go nhất đối với các đơn vị vận tải, các binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn. Bởi lúc này Mỹ dùng máy bay AC130 (mệnh danh “con quạ sắt”) được trang bị thiết bị hồng ngoại, có thể phát hiện tia lửa điện của động cơ xe và nhiệt do động cơ xe toả ra, có thiết bị khuyếch đại ánh sáng mờ để nhận rõ mục tiêu trong đêm tối.
Sau khi phát hiện các đoàn xe của ta, chúng dùng các loại súng 40 ly, 20 ly 4 nòng bắn liên thanh, tên lửa tầm ngắn có khả năng bắn phá sát thương trên diện rộng, thời gian dài.
Kết hợp với mạng lưới trinh sát điện tử ở mặt đất (cây nhiệt đới), loại máy bay này nhanh chóng phát hiện mục tiêu cho dù mục tiêu đó di động trong đêm tối trong rừng cây rậm rạp, xe chạy bằng đèn rùa chúng vẫn phát hiện ra. Đêm đêm chúng sử dụng AC130 "túc trực" trên không từ đầu tuyến đến cuối tuyến, đặc biệt là khu vực Nam – Bắc đường 9.
Mỗi đêm 2 chiếc AC130 thay thay nhau quần thảo trong một khu vực, mỗi chiếc có thể bay liên tục 5-6 giờ. Lúc đầu chúng bay muộn về sớm. Cứ khoảng 5 giờ chiều một chiếc AC130 quần thảo trên bầu trời, nửa đêm chúng đổi ca cho đến sáng mới về.
Không một đoàn xe nào của ta không bị chúng phát hiện và tấn công. Các đơn vị xe đều bị tổn thất, mỗi binh trạm có đêm cháy tới hơn chục xe. Số xe bị bắn cháy tăng vọt, số lái xe bị thương ngày càng nhiều.
Nhiều phương án đối phó với những “con quạ sắt” AC130 lúc này của ta được đề ra nhưng chúng làm chủ bầu trời mà ta không thể làm gì.
Bộ Tư lệnh khu vực 472 đã chỉ đạo cho lực lượng công binh các binh trạm dùng thùng phuy rải dọc đường 9 cho củi vào đốt lửa để nhử máy bay địch, nhưng cũng chỉ được ngày đầu, sau địch phát hiện ra và không bắn vào đó nữa.
Lực lượng công binh làm các đường tránh gọi là "đường mang cá", khi có báo động AC130 là lái xe cho xe lao vào mang cá để tránh nhưng vẫn bị “quạ sắt” săn được và bắn trúng. Chúng ta tăng cường dùng cành cây nguỵ trang xe cũng vẫn bị bắn cháy.
“Quạ sắt” bị nướng bởi lưới lửa phòng không
Thực tế trên tuyến chiến trường đường Trường Sơn lúc đó khiến ta gặp rất nhiều bất lợi. Đây là một trong những tháng ngày lao đao, gian khổ nhất của Bộ đội Trường Sơn.
Các đơn vị đã ra sức động viên bộ đội nâng cao ý chí chiến đấu, đánh địch mà đi, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng cường che chắn bảo vệ cho xe và lái xe như: các xe ô tô đều làm dàn mướp che ca bin, lái xe đội mũ sắt, mặc áo giáp chống đạn, tổ chức đội hình vừa và nhỏ, theo dõi quy luật hoạt động của AC130 để tổ chức chạy tránh thời gian cao điểm hoạt động của địch… Nhưng tất cả các biện pháp trên vẫn nằm trong thế bị động, chỉ có tác dụng hạn chế một phần rất nhỏ, chưa phải là biện pháp đối phó có hiệu quả.
Trước sự tổn thất nặng nề do máy bay AC130 gây ra, khi đó ở các cấp chỉ huy có sự nhìn nhận đánh giá khác nhau về địch và ta. Một số cho rằng máy bay AC130 nhìn được ban đêm nên đánh rất trúng mục tiêu, một số lại cho rằng AC130 chỉ đánh mò, do lái xe sợ đạn 40 ly bỏ xe chạy nên mới bị bắn cháy.
Để có kết luận chính xác, đối phó với máy bay AC130, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng các cán bộ Bộ Tư lệnh bám theo các chuyến xe vận tải để nghiên cứu địch.
Từ ý kiến thực tế, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định điều tên lửa vào áp sát đường 9 để tiêu diệt AC130. Đồng thời mở đường kín chạy ngày để tránh AC130 bắn xe.
Để tiêu diệt AC130, hai trung đoàn tên lửa đã cơ động vào phục kích ở phía Bắc đường 9.
Các kế hoạch dùng lưới lửa phòng không để vây “những con quạ sắt” được bộ đội ta vạch ra. Trung đoàn cao xạ 591 đón máy bay địch từ cánh phải. Ba tiểu đoàn cao xạ của Binh trạm 32 đón máy bay địch ở cánh bên trái. Trung đoàn tên lửa 275 sẵn sàng bắt mục tiêu, phóng tên lửa.
Mọi kế hoạch hợp đồng tác chiến dụ “quạ sắt” AC130 vào lưới lửa phòng không rồi tiêu diệt được bộ đội ta lên nòng và sẵn sàng chiến đấu.
“Hôm ấy cuối tháng 11/ 1971, trời quang mây tạnh, như thường lệ “quạ sắt” AC130 cứ lừng lững bay ra như thách thức những người lính Trường Sơn. Bất ngờ, hai cánh cao xạ tập trung hoả lực tạo thành lưới lửa dồn ép con "quạ sắt" đi vào một hướng gần như cố định. Khi nó đang loay hoay tránh lưới lửa cao xạ thì bất ngờ tên lửa của ta phóng lên trúng thẳng mục tiêu. Có lẽ bị dính tên lửa quá bất ngờ nên khi “quạ sắt” bốc cháy rơi xuống mà 9 tên giặc lái Mỹ không kịp bật dù thoát ra ngoài”, Tướng Hoàn Kiền nhớ lại cảm giác khi lần đầu tiên những người lính Trường Sơn bắn rụng “quạ sắt”.
Chiến thắng hạ “quạ sắt” của bộ đội Trường Sơn nhanh chóng bay xa, theo lệnh của trên, Binh trạm 32 điều 6 xe ô tô chở xác AC130 ra Hà Nội để nghiên cứu.
Sau lần hạ “quạ sắt” này, phía Mỹ đã không điều những con “quạ sắt” tiếp theo ra nữa mà phải lui vào hoạt động ở phía Nam đường 9. Mười ngày liền trên tuyến đường 9, Sê Băng Hiên vắng tiếng máy bay.
Binh trạm trưởng BT32 Bùi Thế Tâm dẫn đầu đoàn xe 200 chiếc xe vận tải trên tuyến đường hở chạy vào giao hàng cho binh trạm 33, đoàn xe 200 chiếc trả hàng an toàn quay về căn cứ, thực hiện một chuyến trên cung, hai đêm/chuyến. Tận dụng thời cơ này, các Binh trạm tập trung xe chạy ngày đêm để chi viện cho tiền tuyến đến ngày thắng lợi thống nhất đất nước.
Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVTND - Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam - kể, cuối tháng 5/1966, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên nhận quyết định của Bộ Quốc phòng điều vào làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559, đến tháng 7/1973 chuyển thành Tư lệnh - Bộ tư lệnh Trường Sơn. Trong 10 năm công tác trên chiến trường này, tài thao lược và nhân cách sáng ngời của ông đã toả sáng để cùng với cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy qua lãnh thổ 11 tỉnh của Việt Nam từ Nghệ An đến Bình Phước, 7 tỉnh của Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, với 5 trục dọc, 21 trục ngang tổng chiều dài hơn 17 nghìn ki lô mét.
Trên những chặng đường đó, đường 20 Quyết Thắng là một trục ngang dài trên 120 cây số, từ Đông Trường Sơn vượt biên giới Việt - Lào sang Tây Trường Sơn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên tuyến đường này, lực lượng giao thông Trung ương, địa phương, công binh, bộ binh, thanh niên xung phong… ngày đêm trần mình ra đào đất, đục xuyên núi đá, nhanh chóng đưa toàn tuyến vào sử dụng.
Nhận thấy tuyến đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến có ý nghĩa vô cùng quan trọng, Mỹ đã tập trung sức mạnh của không quân đánh phá xuống tuyến đường Trường Sơn vô cùng ác liệt. Vì thế nơi đây đã diễn ra cuộc chiến ngăn chặn của không quân Mỹ với mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.
Tuấn Hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn