Trong Quốc hội có người có con được nâng điểm, đại biểu “không tiện nói”

Thứ tư - 22/05/2019 09:22
(Dân trí) - Việc giải quyết hậu quả vụ tiêu cực thi THPT quốc gia trở thành nội dung “nóng” tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 22/5. Có đại biểu đề nghị hủy kết quả thi của thí sinh gian lận. Có đại biểu muốn xử lý phụ huynh có con được nâng điểm nhưng do trong Quốc hội cũng có đại biểu thuộc trường hợp này nên… không tiện nói. >> >>

Phát biểu tại tổ thảo luận của đoàn Lào Cai, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng phải hủy kết quả thi của các thí sinh đã được xác định gian lận điểm.

“Căn cứ điểm đ khoản 6 điều 49 Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, thí sinh cần bị hủy kết quả thi và gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý với hành vi sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm giải quyết từ gốc - hủy kết quả thi THPT quốc gia, đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển đại học. Người được nâng điểm cần bị buộc thôi học, bởi họ đã vi phạm quy chế thi THPT quốc gia, điểm thi là bất hợp pháp”, bà Hà nhấn mạnh.

Trong Quốc hội có người có con được nâng điểm, đại biểu “không tiện nói”

Đại biểu Lê Thu Hà cho rằng phụ huynh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để con em được nâng điểm có thể coi là hành vi trục lợi.

Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng các trường đại học cần cân nhắc gọi nhập học bổ sung để bù đắp cho số sinh viên bị loại vì gian lận điểm thi và trao lại cơ hội chính đáng cho các thí sinh này. Công lý không thể chỉ được thực thi một nửa.

Về phụ huynh tham gia nâng điểm cho con, theo bà Hà, cơ quan điều tra có thể làm rõ để xử lý theo tội đưa hối lộ quy định tại bộ luật Hình sự. Hành vi đưa hối lộ có thể là vật chất, tiền bạc, cũng có thể là phi vật chất (hứa hẹn được thăng tiến, lợi ích trong công việc...). Cũng có thể phụ huynh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để con em được nâng điểm thì có thể coi là hành vi trục lợi được quy định trong luật Phòng chống tham nhũng.

Trường hợp không đủ căn cứ để khởi tố hình sự thì có thể xử lý hành chính những phụ huynh tham gia nâng điểm. Bởi phần lớn họ là viên chức nhà nước, chịu sự điều chỉnh bởi Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, các quy chế phòng chống tham nhũng... Chưa kể, nhiều người trong số này là đảng viên thì phải chịu thêm hình thức xử lý theo điều lệ Đảng.

Nếu chứng minh thí sinh tham gia "chạy điểm" ngay từ đầu với cha mẹ thì có thể xử lý tội đồng phạm hoặc không tố giác tội phạm. Nếu không thì có thể xử lý hành chính, song không được công khai danh tính các em bởi luật hiện hành không cho phép. Việc xử lý cần có tình có lý. Vừa răn đe, vừa để các em có cơ hội được thi lại, đi lên bằng thực tài.

Cũng tại thảo luận tổ, một đại biểu khác cho biết lẽ ra mình sẽ nêu phát biểu đề nghị xử lý phụ huynh có con được nâng điểm, nhưng do cũng có các đại biểu như thế ở trong Quốc hội, nên không tiện nói.

Cũng về việc xử lý trách nhiệm trong vụ việc, đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) sốt ruột, dù các cơ quan đã rất tích cực nhưng quá lâu vẫn chưa nắm được những điểm “đầu nút” trong vụ việc để xử lý trách nhiệm cá nhân cụ thể.

“Sao gần cả năm rồi các cơ quan vẫn loay hoay? Vậy nên người dân băn khoăn không biết vụ này mối quan hệ ở đâu mà “to” vậy, khi nhiều vụ phạm pháp lớn hơn, phức tạp hơn nhiều vẫn phanh phui ra được”- đại biểu nhận xét, trong trường hợp này, các cơ quan rõ ràng làm chưa hết trách nhiệm với người dân.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây