Hoạt động kiểm tra công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua luôn được lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm. Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2017 đã đặt ra nhiều yêu cầu. Trong đó có việc cần phải chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, đặc biệt là cấp Chi cục, đáp ứng yêu cầu quản lý ngành.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-BCSĐ, Tổng cục Thi hành án dân sự đã mở đợt cao điểm kiểm tra, tăng cường kiểm tra chuyên đề đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; có nhiều văn bản chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự đia phương thực hiện việc tự kiểm tra và tăng cường kiểm tra đối với các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc.
Để tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra này, Tổng cục Thi hành án dân sự vừa tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Chủ trì hội nghị, ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - đã ghi nhận những kết quả đã đạt được và nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra, biện pháp khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, từ ngày 1/10/2016 đến nay, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện 19 đoàn kiểm tra (4 đoàn kiểm tra toàn diện, 15 đoàn kiểm tra chuyên đề) và nhiều đoàn kiểm tra theo lĩnh vực công tác của các đơn vị thuộc Tổng cục.
Về cơ bản, các đoàn kiểm tra đã thực hiện theo quy trình, chú trọng đến chất lượng kiểm tra và đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó có đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại tỉnh Kiên Giang được lãnh đạo Bộ Tư pháp đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, cần tiếp tục phát huy.
Hiệu quả từ việc kiểm tra tại địa bàn này cho thấy Kiên Giang đã có những chuyển biến tích cực sau một thời gian ngắn. Kiên Giang đã khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu ra tại kết luận kiểm tra; đồng thời nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không còn tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp nhiều như trước đây. Hầu hết các vụ việc được giải quyết dứt điểm từ cơ sở…
Ngoài ra, qua công tác kiểm tra, Tổng cục Thi hành án dân sự chủ động kiểm soát được địa phương nào làm tốt, địa phương nào làm chưa tốt công tác thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó quản lý, chỉ đạo được công tác thi hành án dân sự của toàn hệ thống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó…
Tránh trường hợp có biểu hiện “dọa nạt” đối tượng kiểm tra
Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Tổng cục thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương” của Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời nhất trí với các ý kiến đánh giá về nguyên nhân, giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra trong thời gian tới.
Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, đáp ứng yêu cầu quản lý ngành của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành yêu cầu các đơn vị thuộc Tổng cục thực hiện nhiều nội dung cụ thể.
Trong đó, nghiêm túc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự. Các đoàn kiểm tra cần nhận thức rõ công tác kiểm tra nhằm mục đích quản lý, chỉ đạo, điều hành của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Kiểm tra phải thực hiện đúng quy trình kiểm tra; đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện về những mặt công tác của đơn vị được kiểm tra là đã làm tốt hay chưa làm tốt, kiến nghị khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời, đúng mức.
Trưởng đoàn kiểm tra nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân công trách nhiệm rõ ràng cho Phó trưởng đoàn kiểm tra, các thành viên đoàn kiểm tra. Khi xây dựng kết luận kiểm tra thấy có những vấn đề khó cần trao đổi thống nhất trong tập thể lãnh đạo cấp Vụ, trường hợp cần thiết báo cáo, xin ý kiến Phó Tổng cục trưởng hoặc Tổng cục trưởng.
Về phạm vi kiểm tra, ông Hoàng Sỹ Thành yêu cầu tiến hành kiểm tra tất cả các mặt công tác của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, bao gồm cả lĩnh vực tài chính, kế toán; kiểm tra việc thực hiện kiểm tra của Cục đối với Chi cục; công tác tổ chức cán bộ; văn phòng; ... Tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất và kiểm tra toàn diện phù hợp với từng năm công tác.
Đặc biệt, tránh trường hợp có biểu hiện “dọa nạt” đối tượng kiểm tra và ngược lại cũng cần tránh trường hợp quá dễ dãi, bỏ qua sai phạm, thậm trí bỏ qua sai phạm nghiêm trọng dẫn đến hậu quả khó khắc phục hoặc không khắc phục được.
“Đoàn kiểm tra khi thực hiện kiểm tra cần có tinh thần làm việc nghiêm túc, thái độ đúng mực, chia sẻ kinh nghiệm về nghiệp vụ thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các mặt công tác khác để địa phương học hỏi từ Tổng cục Thi hành án dân sự”- ông Thành yêu cầu.
Việc ban hành kết luận kiểm tra phải đúng mẫu kết luận kiểm tra. Nội dung kết luận đảm bảo kết luận đúng vấn để, đúng thực trạng của đối tượng bị biểm tra.
Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành nhấn mạnh, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của đơn vị mình đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm tra; phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục, ngoài Tổng cục trong việc cử công chức tham gia Đoàn kiểm tra phù hợp với yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
“Kiểm tra là lĩnh vực khó, vì vậy công chức tham gia Đoàn kiểm tra nêu cao tinh thần trách nhiệm; làm rõ các sai phạm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân có sai phạm để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời”- ông Thành yêu cầu.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn