Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những yêu cầu để "bứt tốc" phát triển trong kỷ nguyên mới

Thứ năm - 31/10/2024 02:00
Sáng 31/10, nhân Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố (TP) Hải Phòng và Việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu nhiều vấn đề vĩ mô của đất nước: tinh gọn tổ chức bộ máy; tăng năng suất lao động để phát triển bền vững; cắt giảm thủ tục hành chính, chấn chỉnh "bệnh lãnh đạo"...

"Bộ máy cồng kềnh khó khăn lắm, kìm hãm sự phát triển"

Phát biểu thảo luận tại Tổ 12, gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu, vừa rồi,Trung ương có bàn, quan trọng nhất là phải căn cứ về tiêu chí TP trực thuộc Trung ương, đủ các tiêu chí thì mình quyết định.

"TP trực thuộc Trung ương phải có triển vọng phát triển, đầu tư cho TP tức là đầu tư cực tăng trưởng của khu vực, không thể để trở thành gánh nặng được" - Tổng Bí thư nhấn mạnh và yêu cầu phải nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển bền vững, hài hoà, vì cực tăng trưởng phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những yêu cầu để
Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận tại Tổ 12, sáng 31/10.

Xung quanh việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và một số địa phương khác, nhiều đại biểu băn khoăn cơ chế chính quyền đô thị thế nào, cơ chế bộ máy quản lý Nhà nước ra sao cho hiệu lực, hiệu quả? Tổng Bí thư khẳng định, đây là vấn đề rất lớn và Đảng, Nhà nước đang tập trung bàn để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bộ máy. Đồng thời, không hình thức mà phải đúng thực chất như đại biểu nêu, HĐND phải đầy đủ, có người tài, không kiêm nhiệm.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ Đại hội XII, Nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn lại. Nhưng, hiện nay chúng ta mới làm từ dưới lên, xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Hay mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành, còn Trung ương chưa làm.

"Trung ương mà làm gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện, có phòng. Cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới chúng ta phải bàn. Đây là Nghị quyết của Trung ương, nói mấy nhiệm kỳ rồi và đã đánh giá như thế thì phải xem xét. Ngay mình ở đây cũng phải xem xét có cồng kềnh, có hoạt động hiệu lực, hiệu quả không? Mình đến làm 8 tiếng có đúng, đủ, cống hiến, đóng góp, có xứng đáng để nhận đồng lương đó không? Tất cả mọi người đều phải làm, đều phải có trách nhiệm trong việc này và mình làm không đạt được yêu cầu đó phải thấy xấu hổ...", Tổng Bí thư lưu ý.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những yêu cầu để
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 12.

Tổng Bí thư chỉ rõ, ở đâu cũng phải làm và tới đây, Trung ương phải gương mẫu, các Ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu.  Đồng thời, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn, nhìn nhận vào các chỉ số này và không tinh gọn bộ máy không phát triển được.

Tổng Bí thư dẫn chứng, hiện nay ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Nuôi nhau hết thì còn đâu tiền nữa. Còn 30% thì tiền đâu để phục vụ quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong khi các nước khác chỉ có hơn 40%, dù rất khổng lồ. Ít nhất phải được trên 50% ngân sách phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...

"Vì sao không thể tăng lương? Vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách. Làm gì còn tiền ngân sách đâu để làm các hoạt động khác. Cứ hứa hẹn năm 2025 - 2026 nhưng áp lực khó khăn, cần nhìn rất thực chất. Nếu như vậy có an tâm, yên lòng không? Thành ra tinh gọn bộ máy, tiếp tục giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Bộ máy cồng kềnh khó khăn lắm, kìm hãm sự phát triển" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Phân cấp rõ ràng, củng cố hiệu lực quản lý Nhà nước

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những yêu cầu để
Tổng Bí thư yêu cầu tinh gọn bộ máy, tiếp tục giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, lắm bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, phải làm kiểu "xin - cho", đáng lẽ địa phương làm nhưng mình không có người thì giữ lấy, hỏi mãi không trả lời, mất thời gian. Giờ địa phương làm họ chịu trách nhiệm nguyên tắc, quy định có hết rồi, làm sao phải giữ lại những chuyện đó, xong lại xin. "Một ông chuyên viên có ý kiến khác thôi là toàn bộ hệ thống lại phải dừng lại để đánh giá lại, họp lại, làm sao giải trình, giải thích được những chuyện đó. Cơ chế hiện nay là vậy, một ý kiến khác thôi là không thể vượt qua được, hết tháng này đến tháng kia bàn những chuyện đó, nhưng chưa giải quyết được là vì bộ này chưa có ý kiến. Nói bộ này, hỏi là ai thì chỉ là một chuyên viên ở một vụ đó có ý kiến khác", Tổng Bí thư nêu thực tế.

Hay, một vấn đề mà không biết ai chủ trì. Như vừa qua tập trung giải quyết vấn đề cát, đá, sỏi và tập trung nghiên cứu có 5-6 bộ nhưng không biết ai chủ trì. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nói sông đó là khơi thông luồng lạch cho giao thông thì chúng tôi có trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp nào làm khai thác lòng đất thì chúng tôi trả tiền vì giúp khơi thông luồng lạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nói không được, vì là đây là kho tài nguyên của tôi, ai muốn khai thác phải trả tiền. Doanh nghiệp vừa phải trả tiền vừa được tiền. Bộ Xây dựng lại nói đây là vật liệu xây dựng... Một vấn đề thôi bao nhiêu cuộc họp, nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì chả biết ai. "Bộ máy cứ như thế thì làm sao chịu được, không thể chịu được những cái cồng kềnh", Tổng Bí thư đánh giá.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những yêu cầu để
Tổng Bí thư yêu cầu củng cố hiệu lực quản lý Nhà nước.

Địa phương cũng lại như thế, rất khó khăn cũng lại Sở GTVT, TN&MT... Một vấn đề đơn giản tại sao lại cồng kềnh, chồng chéo, khó khăn đến thế, mất bao nhiêu thời gian vào những chuyện này. Doanh nghiệp cũng khổ sở, muốn làm gì về cát, đá, sỏi hỏi đủ thứ ý kiến, rồi UBND tỉnh quyết định, huyện chịu trách nhiệm quản lý, mà lại vẫn tiêu cực. "Cát cấp cho doanh nghiệp khai thác lên, giá bán, giá mua đã lằng nhằng, doanh nghiệp lời như thế, khai thác chui... rất tiêu cực. Thậm chí, tội phạm cũng xen vào, từ vận chuyển, khai thác, đến đổ vào các khu công nghiệp, công trình công... có bóng dáng tội phạm lợi dụng cơ chế. Các đồng chí Chủ tịch địa phương rất nhức đầu, thậm chí các đối tượng khống chế lại cả chính quyền, "nếu cho ông kia làm, không cho tôi làm thì chết với tôi", đe dọa như thế. Như vậy, hiệu lực quản lý của mình đến đâu? Đây là vấn đề cần xem xét, củng cố", Tổng Bí thư chỉ rõ.

Tăng năng suất lao động để phát triển bền vững

Về năng suất lao động, Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến một trong những chỉ tiêu chúng ta không đạt được trong nhiệm kỳ này là vấn đề năng suất lao động. "Thực tế, kinh tế có phát triển lên nhưng năng suất lao động thực tế, chỉ số phát triển đang giảm. Nếu năng suất lao động giảm không thể phát triển kinh tế được, không thể phát triển xã hội được".

Tổng Bí thư cho rằng, muốn tăng năng suất lao động thì phải có tay nghề lao động, có hàm lượng khoa học công nghệ, cách thức quản lý tốt. Phải khuyến khích thế nào đó để năng suất lao động cao so với các nước xung quanh... 40 năm qua chúng ta đã có phát triển thành tựu vĩ đại, nhưng so với mức phát triển các nước xung quanh chưa đạt. So với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, chúng ta thua rất xa....

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những yêu cầu để
Tổng Bí thư chỉ rõ, muốn năng suất lao động thì phải có tay nghề lao động, có hàm lượng khoa học công nghệ, cách thức quản lý tốt.

Nếu nhìn về bề ngang thì chúng ta chưa có điều gì để nói. Vì chúng ta tăng trưởng dựa vào một số yếu tố: đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, nhưng đó là của đầu tư nước ngoài, các yếu tố khác. Còn thực tại nền kinh tế muốn phát triển bền vững phải dựa vào những cái của ta, tự lực, tự chủ, tự cường là chính, còn đi vay mượn những chỗ khác về không thực chất. Thành ra những cái đó không có con đường nào khác là tăng năng suất lao động, huy động mọi người đều tham gia vào sản xuất, kinh doanh. Người làm phải nhiều người hơn người hưởng thụ. Dân số vàng của chúng ta đã sắp đến thời kỳ, chạm đến dân số già sẽ vô cùng khó khăn.

"Kỷ nguyên mới là thế nào? Kỷ nguyên mới phải "bứt tốc" lên với mục tiêu đến 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Nếu với tốc độ như thế này thì nhiều khả năng không hoàn thành, còn 20 năm nữa, quy mô nền kinh tế phải gấp 3 lần bây giờ, thu nhập bình quân đầu người phải gấp 3 lần mới đạt mục tiêu. Bây giờ cứ như thế này làm sao gấp được 3 lần. Nếu không làm được như thế thì rất khó khăn. Đây là những việc Trung ương phải bàn. Phải thấy rõ những khó khăn để tránh xa, vượt lên để phát triển", Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Cắt giảm thủ tục hành chính, sửa đổi "bệnh lãnh đạo"

Nhắc lại chuyện bộ máy nặng nề, "một việc nhiều người làm, không ai chịu trách nhiệm chính", Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải rất rành mạch về những chuyện như vậy, vì chính quyền là chính quyền phục vụ nhân dân: "Tôi vừa rồi rất bức xúc, rà soát tới tận phường, xã, xóm, có những người không muốn chuyển đổi số. Họ bảo, "Ơ, thế chuyển đổi số thế này chúng em mất việc à?" Thì đúng mục tiêu là giảm biên chế. Phải đi rất chi tiết vào những công việc như thế, từng nhiệm vụ, hành vi phải phục vụ gì cho nhân dân, tạo điều kiện gì? Trước đây "một cửa" cũng rất hay rồi, nhưng bây giờ còn hay hơn thế, là "không còn cửa nào cả".

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những yêu cầu để
Quang cảnh phiên thảo luận tổ.

"Một cửa" vẫn là thủ tục, vẫn lằng nhằng, nhiều lần tôi rất bức xúc, một tờ giấy khai sinh thôi, 5-6 cơ quan tham gia vào, dân mất cả tuần đến 10 ngày, có khi người ta cũng chán, chả đi làm, chả vấn đề gì. Nhưng không được, đã là thủ tục thì phải mà, mà mình phải cải cách. Một bà mẹ sinh con ra, giấy chứng sinh của Trạm y tế cấp, rồi sang Công an lấy số định danh, sau đó sang Tư pháp để lấy giấy khai sinh, sau đó quay trở về Công an làm hộ khẩu, rồi sang Y tế làm bảo hiểm... Thế tại sao không ngay tại Trạm y tế đó cho phép người mẹ 1-2 ngày hoàn thành tất cả các thủ tục, người ta bế con về là đầy đủ giấy tờ? Thế dân có sướng không? Tại sao lại phải tư pháp gì nữa, đương nhiên người ta có cái đó rồi", Tổng Bí thư nêu giải pháp.

Về thắc mắc cán bộ Tư pháp ở xã sẽ làm việc gì, Tổng Bí thư cho rằng, cán bộ Tư pháp xã chỉ hướng dẫn pháp luật, tư vấn luật pháp cho nhân dân, không phải làm thủ tục hành chính nữa. "Phải rất chi tiết, rà soát lại xem, cách gì để phục vụ nhân dân tốt hơn, cách gì để giảm công sức vào những việc không cần thiết. Rất nhiều việc, đòi hỏi phải cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt bộ máy".

Phải kiêm nhiệm nhiều, chứ trên bộ có bộ gì thì dưới sở có sở ấy, huyện đương nhiên phải có phòng, xã phải có cán bộ là không ổn. Có thú y là xã phải có cán bộ thú y, khuyến nông là phải có cán bộ khuyến nông... tất cả như thế thì bộ máy của mình đến đâu. Cứ bảo phải chuyên nghiệp thì rất gay. Khi bệnh dịch lên thì bảo, trước đây chúng em có cán bộ thú y ở xã thì hướng dẫn được việc này... Mình không có cán bộ thì mình vẫn phải làm. Nếu Uỷ viên Uỷ ban xã mà nói em lãnh đạo rồi, em không làm những việc này, thế thì ông làm gì?

Uỷ viên Uỷ ban xã và Phó Chủ tịch xã bảo, "không, việc này phải có cán bộ làm, trình lên em rồi em mới ký, em lãnh đạo lại đi làm thủ tục như thế này thì không được". Đấy, quan niệm rất lạc hậu như vậy phải sửa. Chủ tịch UBND xã cũng phải làm, không phải chờ ông cán bộ đến để làm những việc như thế. Tinh thần là phục vụ nhân dân, tinh thần là có việc của dân mình phải làm, chứ không chờ rất hành chính, nói "em chỉ ngồi đằng sau này, có tiếp dân và mọi người làm thủ tục xong đưa vào đây, em chỉ ký thôi", thì đấy là "bệnh lãnh đạo" rồi.

Tổng Bí thư yêu cầu phải đi vào thực tế những việc như vậy, phải rà soát những việc rất chi tiết, rất cụ thể thì mới đổi mới được. Nếu không rất khó khăn. "Đây là một cuộc cách mạng. Nghị quyết Trung ương đã nói cả rồi, nhưng phải thấm tới từng chi bộ, từng đảng viên, chứ không phải việc giảm biên chế là của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ hay các cơ quan. Tất cả mọi người đều phải tham gia vào công cuộc này, từ những công việc cụ thể. Với cách thức, tinh thần như vậy", Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm.

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây