Ngày 15/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 17 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thu hồi 35.000 tỷ, phong tỏa 24.000 tỷ tiền tham nhũng
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.
Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với hơn 420 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật và đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 3 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và hơn 20 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng (2 ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Trưởng Ban chỉ đạo khái quát, công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, nhưng cũng rất nhân văn.
Ngoài ra, đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những khâu, lĩnh vực còn yếu, có khó khăn, vướng mắc, trong đó đã thu hồi được số tiền hơn 35.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị gần 24.000 tỷ đồng.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”); tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương; góp phần khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng chống tham nhũng.
Kết thúc, xét xử 10 "đại án" trong năm 2020
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, đây là năm cuối của nhiệm kỳ, năm tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, Tổng Bí thư nhắc nhở các cấp lãnh đạo không được chủ quan, thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ; rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thanh tra, kiểm toán đối với các dự án gây thất thoát lớn, thua lỗ kéo dài, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cùng với đó, Tổng Bí thư lưu ý, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt.
Trong năm 2020, tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc; truy tố 23 vụ án; xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án theo kế hoạch. Nhất là tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Điển hình là các vụ án: Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát (Sabeco), quận 1, TPHCM; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM; Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vi phạm quy định về đầu tư gây hậu quả nghiêm trọng tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi…
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất tiến độ việc kết thúc xử lý đối với 6 vụ án, 3 vụ việc khác thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn