Sinh ra và lớn lên trên vùng quê thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nơi cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên Tổng Bí thư Lê Duẩn càng hiểu rõ những khó khăn của người dân quê mình, quyết tâm tìm hướng đi giúp bà con nơi đây thoát nghèo.
Xây hệ thống thủy lợi để phát triển nông nghiệp
Về các vùng quê của huyện Triệu Phong, các cụ cao niên vẫn rỉ tai nhau về câu chuyện Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ đạo xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn để dẫn nước về đồng ruộng. Đây cũng là công trình mang đậm dấu ấn của ông trên quê hương Quảng Trị.
Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ đạo việc xây dựng đập thủy lợi Nam Thạch Hãn (Ảnh tư liệu)
Ông Nguyễn Đính (65 tuổi, trú tại xã Triệu Thành), lúc đó là quyền Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành, nhớ lại: “Năm đó, ngày đón dòng nước từ công trình thủy nông Nam Thạch Hãn về làng, nước chảy đến đâu, bà con vẫy cờ, vẫy nón, vẫy tay chạy theo đến đó cảm thấy hạnh phúc vì đã nhìn thấy mùa no ấm đang về trên quê mình. Công trình thủy nông Nam Thạch Hãn được xây dựng vào thời kỳ đất nước khó khăn. Lao động thủ công nhưng nhờ sức mạnh của cả tỉnh Bình Trị Thiên, công trình đã sớm hoàn thành, phục vụ có hiệu quả cho việc sản xuất nông nghiệp”.
Có thể khẳng định rằng, công trình thủy nông Nam Thạch Hãn không chỉ đem lại bộ mặt tươi mới cho miền quê nghèo, mà còn là công trình mang nhiều tâm huyết của Tổng Bí thư Lê Duẩn, một người hết lòng vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
Ông Đính kể lại kỷ niệm những lần gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn và những lời căn dặn của ông.
Ông Đính kể tiếp: “Khi công trình đã hoàn thành, những năm sau đó Tổng Bí thư về thăm quê và thấy nguồn nước Nam Thạch Hãn chảy về đồng ruộng Triệu Phong, ông thấy đồng ruộng tốt tươi mà vừa mừng, vừa xúc động”.
“Những lần về thăm Quảng Trị và xã Triệu Thành, Tổng Bí thư Lê Duẩn đều bày tỏ tâm nguyện mong được thấy quê mình giàu đẹp hơn. Trong lần cuối cùng về thăm quê vào năm 1985, ông gửi gắm nhiều tâm tư cùng lời căn dặn tâm huyết đến bà con nhân dân, đến lãnh đạo địa phương ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước”, ông Đính nói.
Khắc sâu lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn
Ông Nguyễn Đính, người đã 3 lần được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn, vẫn còn nhớ như in lời dặn của ông. Ông Đính kể: “Năm 1977, tôi lúc đó làm Ủy viên thư ký (phụ trách lĩnh vực văn hóa- xã hội và giao thông, thủy lợi), của UBND xã Triệu Thành. Tổng Bí thư đã cho người gọi vào để hỏi làm thế nào để có thể dẫn nước về đồng ruộng cho lúa và tưới hoa màu trên địa bàn.
Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành năm 1976
Lần thứ 2, tôi làm Chủ tịch xã Triệu Thành, nên được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn để báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Lúc này, đập thủy lợi Nam Thạch Hãn đã được xây dựng gần hoàn thiện, với mục đích giúp đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội của khu vực toàn huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị".
Sau chuyến thăm quê lần này, Tổng Bí thư Lê Duẩn trở ra Hà Nội, chỉ đạo cho huyện Đông Cao, tỉnh Thái Bình tổ chức kết nghĩa, giúp đỡ Triệu Thành cách làm kinh tế. Nhờ đó mà xã Triệu Thành lúc đó đã thành lập Hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp Hậu Kiên, chuyên về nghề dệt chiếu cói do HTX chiếu cói Đông Cao, Thái Bình giúp đỡ.
“Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm quê lần thứ 3 nhưng lúc đó tôi đang được cử đi học chính trị ở Hà Nội nên không được gặp. Rồi lần thứ 4, sau cơn bão lịch sử ở Quảng Trị, nhà cửa của bà con lúc đó đã bị gió lớn tàn phá rất nặng nề, đồng ruộng bị hư hại, mất trắng hoàn toàn do nước lụt sau bão. Tổng Bí thư đã thăm hỏi, động viên bà con vượt qua khó khăn, không được nản chí, bởi địch lớn mạnh ta còn đánh thắng, huống gì thiên tai ta cũng phải có cách khắc phục, ứng phó hiệu quả…”, ông Đính tâm sự.
Tổng Bí thư Lê Duẩn trong một buổi trò chuyện thân mật với người dân
Đặc biệt, ông Đính luôn ghi nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong công cuộc phát triển kinh tế. Ông Đính kể, ngày đó, sau khi đi thăm làng xóm, Tổng Bí thư gọi đông đủ mọi người căn dặn những lời chân tình. Ông mong muốn cán bộ và nhân dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế. Với xã Triệu Thành, song song với làm nông nghiệp, cần phải chú trọng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
Diện mạo mới trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn
Xã Triệu Thành, quê hương của Tổng Bí thư nay đã “thay da đổi thịt”, trở thành xã nông thôn mới tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị, đời sống nhân dân được nâng lên từng ngày.
Đoàn công tác của Ban Nội chính các tỉnh miền Trung dâng hương tri ân Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Ông Trần Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Triệu Thành phấn khởi cho biết, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Triệu Thành đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, đưa địa phương phát triển trở thành một trong những xã dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp của huyện và tỉnh. Đặc biệt, năm 2015 xã đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới, là địa phương đầu tiên của huyện Triệu Phong hoàn thành chương trình này. Đến nay, xã đã đạt được những kết quả khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, TTATXH; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được nâng cao rõ rệt.
Chỉ tính riêng năm 2016, giá trị sản xuất các ngành trong năm ước đạt hơn 75,3 tỷ đồng, tăng 14,82% so với năm 2015. Trong đó, giá trị sản xuất thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng cao hơn 50,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30 triệu đồng/người/năm. Chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhiều cơ hội trong phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhằm thoát nghèo một cách bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 51 hộ, chiếm 4,9%...
“Xã phấn đấu năm 2017 giá trị sản xuất các ngành tăng từ 14-15%, thu nhập bình quân đầu người tăng, với khoảng 35 triệu đồng/người/năm… Từ đó, hình thành mô hình nông thôn có nền kinh tế phát triển toàn diện, cơ cấu lao động, ngành nghề hợp lý; phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thu nhập của người dân ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng của xã được cải tạo, nâng cấp đồng bộ…”, ông Nhân bày tỏ.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tấp nập người dâng hương
Những ngày này, hàng trăm người dân khắp các nơi tập trung về Khu lưu niệm tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong để tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Anh Phan Thanh Nhật, Trưởng Ban Quản lý Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn cho biết: Năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, Nhà lưu niệm đón hơn 12.500 lượt khách là cán bộ, đảng viên, học sinh và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn. Tỉnh Quảng Trị đã và đang khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử trong quần thể cụm di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời quảng bá, tạo sức hấp dẫn của các điểm du lịch này.
Tác giả: Đăng Đức
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn