- Quốc hội đang thảo luận để sửa luật Phòng chống tham nhũng với một nội dung đang rất được chú ý là quy định về kê khai tài sản. Thực tế, nhiều người cho rằng, các cơ chế hiện tại đang “bất lực” trước việc xử lý tài sản bất minh. Là người đã phát biểu nhiều lần về việc này, ý kiến của ông thế nào?
- Kê khai tài sản là một việc nhưng vấn đề là kê khai xong thì cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm thẩm định, xác minh. Bản kê khai tài sản của cán bộ phải được xác minh ở địa phương mà cán bộ đó cư trú hay cơ quan mà cán bộ đó làm việc xem đã đúng hay chưa đúng thì mới có ý nghĩa.
Với tài sản bất minh, việc xác định sẽ mất nhiều thời gian vì việc điều tra, xác minh và kết luận về một con người không hề đơn giản. Việc này thậm chí liên quan đến sinh mệnh chính trị, sự nghiệp cả đời một người, làm phải thận trọng, chính xác, không thể vu vơ được.
- Nhưng rõ ràng, quy định kê khai hiện tại làm khó cho việc xử lý. Nhiều trường hợp đã xác định rõ ràng là tham nhũng mà tài sản thu hồi cũng không được bao nhiêu. Nếu kiểm soát chặt được biến động tài sản thì cũng ngăn được hiện tượng tẩu tán tài sản chứ, thưa ông?
- Thu hồi tài sản thấp thì chủ yếu là do ta chưa cương quyết thôi. Đã tham nhũng thì rõ ràng phải có tài sản chứ không lẽ của cải có cánh mà bay? Nó chỉ chạy vào những chỗ người thân, người quen nào đó thôi chứ chẳng đi đâu cả.
Tôi nghĩ luật phòng chống tham nhũng hiện hành ít nhiều cũng đã giúp răng đe một số cán bộ cố hành vi tham nhũng. Còn việc thu hồi tài sản đúng là đang có khó khăn. Tôi cho rằng, cơ bản là cơ quan chức năng phải thực hiện tốt việc thẩm định, kiểm tra, xác minh tài sản đã bị tham nhũng. Để làm việc này phải là những người thực sự liêm chính, chí công, vô tư mới làm được.
- Ông có ý tưởng gì hiến kế cho việc xây dựng các quy định tới đây để đảm bảo yêu cầu đó trong bối cảnh nhiều cảnh báo được đưa ra, đang có những góc khuất tồn tại trong chính cơ quan chống tham nhũng?
- Cái gì cũng có tính 2 mặt. Vấn đề là cố gắng sao để mặt tích cực phải là chủ đạo, những tiêu cực phải giảm bớt dần. Với lực lượng kiểm soát, chống tham nhũng, yêu cầu là phải thực sự có bản lĩnh và liêm khiết.
Ở đơn vị tôi trước đây, tôi rất liêm khiết nên các đoàn thanh tra, kiểm toán lên làm việc, tôi nói các anh cứ làm nghiêm túc, tôi sai ở đâu các anh cứ xử lý. Nhưng ngược lại, khi thanh kiểm tra, các anh không được đòi hỏi gì, nếu “vòi”, chính tôi sẽ xử lý các anh.
Trao đổi thẳng như vậy để hai bên hiểu nhau, cùng hợp tác. Vậu nên qua các lần thanh tra, kiểm tra, đưa ra tập thể, công khai, nếu sai, thuộc trách nhiệm cán bộ chiến sỹ nào thì thừa nhận.
Còn những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, phải thay thế ngay, cho nghỉ việc, không thể sử dụng con người như vậy được.
- Những phát biểu của ông, trên cương vị người vẫn đang đảm nhiệm chức vụ, được đánh giá là rất khách quan, mạnh mẽ, bản lĩnh. Điều đó có đồng nghĩa với tuyên ngôn về cách sống của ông?
- Tôi cũng nghĩ là, cuộc đời tôi, không dám nói rộng nhưng cứ về quê tôi, gặp dân tôi thì ai cũng rất phấn khởi. Người ta bảo “riêng Sùng Thìn Cò, việc gì nói giúp được là sẽ giúp, còn việc gì nói không giúp được là nhất quyết không làm. Không bao giờ ông ấy lấy đồng tiền nào của dân”. Vậy nên tôi về quê, người dân Quản Bạ (Hà Giang) rất quý.
Tôi nghĩ, đầu tiên mình phải liêm khiết còn mình đã không liêm khiết thì nói sao được.
- Vậy sau tất cả những phát ngôn “nặng” như vậy, ông đã gặp áp lực nào?
- Vấn đề đó thì chưa thấy nhưng tôi nghĩ, trong cuộc chiến phải có cái được, cái không được chứ không thể được hết. Với tôi, tất cả những vấn đề tiêu cực biết được, tôi sẽ phát biểu, tôi sẽ nói không trừ trường hợp nào.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn