Câu hỏi được Chủ nhiệm UB Kinh tế nêu ra tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 22/4.
Nhận xét chung về báo cáo kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Kinh tế khái quát, có nhiều điểm ấn tượng trong hoạt động điều hành.
Với sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, nhiều vụ được xử lý nghiêm minh, cải cách thủ tục hành chính giúp giảm chi phí thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp và người dân. Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cũng góp phần tiết kiệm, chống lãng phí. Gần 17.000 tỷ tiết kiệm được đã góp phần phục vụ nhu cầu chi.
Đề nghị cần phân tích, so sánh kỹ hơn những “số liệu biết nói”, ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề, việc rà soát tiêu chuẩn định mức sử dụng ô tô, sắp xếp xe dôi dư, khoán xe công thực hiện ra sao, kết quả cụ thể số liệu thế nào.
Ông dẫn câu hỏi của cử tri, định mức xe công hầu hết chỉ giới hạn ở mức 1,1 tỷ đồng (xe dành cho Bộ trưởng và các chức danh tương đương- PV) nhưng sao ra đường thấy nhiều xe biển xanh giá thị trường 8-10 tỷ đồng. Dù có thể đó là xe chuyên dùng nhưng so với định mức quy định, giá trị vẫn cao quá, như vậy có đúng tiết kiệm chống lãng phí hay không?
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhắc lại việc Bộ Tài chính (cơ quan thực hiện báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí) đã gương mẫu khoán xe công nhưng Chính phủ cần đánh giá, tổng kết để xem hiệu quả của chính sách thế nào, để định hướng nhân rộng hay dừng lại.
Chủ nhiệm UB Kinh tế nêu dẫn chứng khác, câu chuyện trạm thu phí không dừng, đáng ra theo Nghị quyết của Quốc hội, việc này phải hoàn thành trong năm 2018 nhưng thực tế nhiệm vụ vẫn triển khai rất chậm, khó xong trong năm 2020, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch đề ra với các dự án BOT giao thông, gây bức xúc trong xã hội.
Đề nghị Quốc hội phê bình Bộ, ngành “lờ” nhiệm vụ báo cáo
Chia sẻ những băn khoăn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu xem xét tại sao TPHCM năm 2019 rất nhiều dự án đình trệ thì trách nhiệm ở đâu. Việc này, theo Chủ tịch cũng là lãng phí không ít tiền bạc, thời gian công sức.
Lãng phí khác, theo Chủ tịch Quốc hội là, năm 2019, lễ hội vẫn quá nhiều.
“Cứ nói không sử dụng ngân sách nhưng huy động của các tổ chức, cá nhân thì vẫn dùng nguồn lực xã hội, cũng vẫn là lãng phí. Đừng nói không dùng tiền ngân sách là tiết kiệm” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Lấy ví dụ thêm từ việc huy động nguồn lực bắn pháo hoa, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, bắn pháo hoa nhiều quá cũng tốn tiền của các nhà tài trợ, lẽ ra huy động tiền đó làm cầu đường nông thôn, giúp dân xoá đói giảm nghèo hay ứng phó biến đổi khí hậu thì hiệu quả hơn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lập lại trật tự trong tổ chức lễ hội, kể cả việc huy động nguồn lực của xã hội, mọi nguồn lực nên dành cho đời sống của dân, giảm bớt tiêu dùng xa xỉ.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, báo cáo cần phân tích sâu hơn, nhất là về hạn chế nhất định trong điều hành ở một số cấp, ngành dẫn tới lãng phí cho doanh nghiệp, xã hội.
Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho thấy nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do vậy, UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu nêu tên các đơn vị trong báo cáo của Chính phủ và UB Tài chính - Ngân sách để báo cáo Quốc hội.
“Năm ngoái UB Thường vụ Quốc hội đã phê bình nhưng năm nay vẫn còn tình trạng này nên cần “nâng cấp” mức độ, để Quốc hội phê bình” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh và giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu để thể hiện nội dung này trong Nghị quyết chung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn