Vấn đề đặt ra với đại diện Bộ GD-ĐT tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 là nghịch lý, Nhà xuất bản Giáo dục thì than mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng tiền in ấn, phát hành sách giáo khoa nhưng nhiều cơ quan chức năng, lãnh đạo các cấp vẫn lên tiếng phản ứng, yêu cầu xóa bỏ độc quyền in sách giáo khoa của đơn vị này. Dù kêu lỗ nhưng mức chiết khấu của nhà xuất bản này với mặt hàng sách giáo khoa rất lớn. Nghịch lý đó khiến dư luận nghi ngờ có khuất tất ở đây.
Trao đổi về vấn đề đặt ra, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Hữu Độ giải thích, thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về việc đối mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục – Đào tạo đang được giao soạn thảo bộ sách giáo khoa và tài liệu kèm theo sách giáo khoa mới để phá vỡ thế độc quyền làm sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục.
Theo đó, Bộ đã quyết định thành lập tổ Biên soạn sách, lập Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa. Sau khi bộ sách được thẩm định, theo quy định, tài liệu sẽ được chuyển sang nhà xuất bản Giáo dục để chỉnh sửa, in ấn.
Ông độ thông tin, lâu nay, nhà nước đã tổ chức đấu thầu in ấn, vận chuyển sách đến tận các nhà trường. Làm như thế để giảm được được chi phí khi sách phải luân chuyển.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, theo quy định hiện hành, nhà xuất bản Giáo dục là đơn vị duy nhất được giao xuất bản sách giáo khoa. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ TT&TT cấp phép thêm 5 nhà xuất bản được tham gia xuất bản sách giáo khoa và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép nên độc quyền in ấn, phát hành sách giáo khoa của nhà xuất bán Giáo dục sẽ được xóa bỏ.
Ông Độ cũng nhấn mạnh, chủ trương xây dựng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cũng là nhằm mục đích này.
Về vấn đề tỷ lệ chiết khấu với sách giáo khoa, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo báo cáo ban đầu của nhà xuất bản Giáo dục, tỷ lệ này là 20-25% nhưng tới báo cáo chính thức, tỷ lệ này chỉ là 18-20% nằm ở chi phí phát hành, vận chuyển sách tới nơi tiêu thụ.
Mức chiết khấu này, theo ông Độ, nếu so với tỷ lệ chiết khấu của sách tham khảo là khoảng 35% thì thấp hơn nhiều.
Nói thêm về việc này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ rõ, sách giáo khoa là lĩnh vực thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quản lý của Bộ GD-ĐT. Đây cũng là vấn đề rất lớn với xã hội vì hàng năm, xã hội phải tốn khoản chi phí rất lớn cho việc in ấn, phát hành, mua sách giáo khoa cho học sinh sử dụng.
Với nghi ngờ có lợi ích nhóm trong việc in sách giáo khoa, theo Bộ trưởng Dũng, tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo giải trình và có giải pháp khắc phục ngay liên quan đến vấn đề người dân, xã hội đang quan tâm.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo ngành phải chỉ đạo sao để việc in ấn, xuất bản sách giáo khoa phải minh bạch công khai, làm tốt công tác xã hội hóa, chống độc quyền, lợi ích nhóm trong hoạt động này.
“Việc làm sách giáo khoa cũng phải xem xét điều chỉnh lại. Ví dụ, vấn đề bài tập in trực tiếp trên sách giáo khoa khiến sách không thể tái sử dụng thì Bộ trưởng Nhạ có giải thích là đã chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh không viết trực tiếp lên sách. Sau nữa, các cơ quan phải loại bỏ nội dung bài tập trên sách, đưa vào ấn bản khác” – ông Dũng nhấn mạnh.
Theo người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chuẩn bị trả lời chất vấn nếu đại biểu Quốc hội quan tâm đặt vấn đề, tránh gây bức xúc trong lĩnh vực có tác động lớn tới xã hội như vậy.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn