Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn toàn diện Hiệp định EVFTA
Trong sáng nay, thừa ủy quyền của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình bày tờ trình trước Quốc hội về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tờ trình Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu lên đề nghị phê chuẩn 7 nội dung EVFTA.
Phó Chủ tịch nước cho biết, EVFTA được khởi động từ năm 2012 khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký hiệp định đối tác toàn diện, là khung hợp tác quan trọng về chính trị, đối ngoại. Đến tháng 6/20219, Việt Nam và EU hoàn tất việc ký kết Hiệp định. Đây là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích. Sự liên kết, tổng hòa các hiệp định quan trọng sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam - EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược.
Trong tờ trình trước Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội phê chuẩn toàn diện Hiệp định EVFTA trong kỳ họp này để đưa hiệu lực các thoả thuận giữa hai bên và Hiệp định EVFTA vào thực hiện.
Cũng về Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo thuyết minh trước Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - trình bày báo cáo thẩm tra về việ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và nhấn mạnh việc cần thiết phải sớm phê chuẩn Hiệp định này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Việt Nam là "điểm sáng" kinh tế trong đại dịch
Qua đánh giá thực hiện cả năm 2019 khẳng định đã đạt được kết quả toàn diện, quan trọng, thực hiện thành công các chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng trưởng vượt chỉ tiêu, kiểm soát được kiểm soát. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới. Xuất siêu đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng nghiêm trọng, nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Trong nước, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm mạnh, khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không, thương mại... Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình; số lượng doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh tăng 33%; lao động ngành du lịch, dịch vụ, hàng không phải nghỉ việc...
Quý I năm 2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng.
Trong khi các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng âm thì Việt Nam được coi là một điểm sáng khi tăng trưởng GDP quý 1/2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 3,82% - mức thấp nhất của quý 1 trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng là mức khá cao so với bối cảnh chung của thế giới và cao nhất khu vực ASEAN và châu Á.
Thủ tướng: Nửa năm thực hiện mục tiêu kép
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khái quát, nửa đầu năm 2020, cả nước đã kiên quyết tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa “chống dịch như chống giặc” vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt cao nhất những chỉ tiêu đã đề ra.
Covid-19 là đại dịch đặc biệt nguy hiểm, lan ra hơn 200 quốc gia, làm 5 triệu người mắc bệnh và hơn 330.000 người đã tử vong. Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh.
Nói về cách thức điều hành, chỉ đạo việc chống dịch suốt những tháng qua, từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, các biện pháp ứng phó đều đặt ở mức cao hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Kết quả phòng chống Covid-19 của Việt Nam đã được quốc tế công nhận, nêu gương. Thủ đô Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác đã khống chế thành công dịch bệnh, không để lây lan phức tạp, nghiêm trọng ra cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đã hơn 1 tháng, cả nước không phát hiện ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng. “Mô hình chống dịch hợp lý, chi phí thấp như vậy đã mang lại hiệu quả được nhân dân ghi nhận, ủng hộ, qua đó củng cố niềm tin của người dân với hệ thống các cơ quan của Đảng, Nhà nước” – Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng nhắc lại những hình ảnh đẹp của người Việt thể hiện trong cuộc chiến chống dịch. Những cụ già, em nhỏ dành tiền tiết kiệm, đi bộ đường xa tới nơi ủng hộ cuộc chiến; những người Việt ở nước ngoài luôn đồng lòng hướng về quê hương, những tấm gương nhường cơm xẻ áo cho nhau; những người trên tuyến đầu chống dịch nhường nằm lán, ngủ rừng nhường chỗ ở cho người cách ly, những “cây ATM” gạo, những siêu thị 0 đồng được thiết lập…. Thủ tướng khẳng định, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, của chế độ xã hội bộc lộ sinh động qua những hình ảnh đó.
Thủ tướng tự hào: Với tinh thần khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp 3, nhiều doanh nghiệp đã thúc đẩy sản xuất kinh doanh để phục hồi. Ngành xăng, dầu, nông nghiệp... đã thực sự trở thành bệ đỡ để thúc đẩy xã hội vượt qua khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, dịch Covid-19 bùng phát nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu và của Việt Nam. Dịch bệnh đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục đào tạo và đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng.
Trước khó khăn, thách thức đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị, chỉ đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tập trung phòng chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Đến nay, bước đầu chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Thắng lợi bước đầu này là kết quả của tinh thần quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước ưu việt của chế độ và tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội. Thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri, đã tập hợp được 2.102 kiến nghị, thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó lao động việc làm, giao thông vận tải, giáo dục… là những lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn nhất của cử tri, nhân dân. Đến nay đã có 2.066 kiến nghị được trả lời, giải quyết, đạt 98,3%. Trưởng Ban Dân nguyện nhận định, đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, trong điều kiện vừa phải thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống đại dịch Covid -19 vừa phải nỗ lực tập trung khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế - xã hội.
Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri cho thấy một số nhóm vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy; vấn đề y đức; vấn đề trốn đóng, nợ đóng BHXH; vấn đề kinh doanh bán hàng đa cấp; vấn đề dạy thêm, học thêm,… đã được giải quyết khá tốt nên cử tri không tiếp tục gửi kiến nghị. Một số kiến nghị cụ thể có liên quan trực tiếp đến đời sống của cử tri được giải quyết nhanh, hiệu quả, góp phần tháo gỡ một số khó khăn cho người dân, như tháo gỡ khó khăn trong quản lý nhà nước với loại hình taxi công nghệ, hạn chế tối đa những tiêu cực như mua bán giấy phép lái xe mà cử tri đã phản ánh…
Tuy nhiên, vẫn còn một số kiến nghị cử tri cần tiếp tục được các Bộ, ngành khẩn trương giải quyết để ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho nhân dân, như: việc chi trả hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi còn chậm; về minh bạch trong thu phí giao thông tại các trạm BOT, việc triển khai thực hiện thu phí điện tử tự động không dừng trên toàn quốc chậm; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; tìnht rạng sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống…
Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Đến nay, Việt Nam đã ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, được lãnh đạo nhiều nước, nhiều tổ chức, các phương tiện truyền thông quốc tế đánh giá cao. Chính phủ đã kịp thời chuyển đổi trạng thái, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời không chủ quan trong phòng, chống dịch.
Theo ông Mẫn, cử tri và Nhân dân bày tỏ trân trọng về những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng phòng, chống dịch, nhất là ngành Y tế, lực lượng Quân đội, Công an, cán bộ ở cơ sở. Đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự xúc động, biết ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài, trong lúc dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, vẫn tổ chức đón bà con có nhu cầu về nước trong an toàn, chu đáo.
Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình thiên tai, dịch bệnh nhưng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng.
“Cử tri và Nhân dân thể hiện sự tin tưởng, phấn khởi khi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng bước đầu triển khai đến các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, lao động mất việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, góp phần ổn định đời sống người dân”, ông Mẫn cho hay.
Kỳ họp chưa từng có tiền lệ
Cụ thể, theo phương thức làm việc mới này, hơn 200 đại biểu ở Trung ương vẫn tập trung tại Nhà Quốc hội, họp tại phòng họp Diên Hồng. Gần 300 đại biểu khác thì tham gia các phiên họp qua truyền hình trực tuyến tại trụ sở đoàn Đại biểu Quốc hội 63 tỉnh thành cả nước.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, phương thức họp mới này vẫn đảm bảo nội dung, đảm bảo các hoạt động và đảm bảo chất lượng như họp tập trung tại hội trường. Các biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ hoạt động của các đại biểu đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Ngay tại phiên họp trù bị sáng 20/5, các đại biểu đã thực hiện việc biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp bằng hệ thống điện tử, qua phần mềm biểu quyết được cài đặt trên iPad. Văn phòng Quốc hội cũng hướng dẫn các đại biểu sử dụng ứng dụng đăng ký phát biểu qua thiết bị di động cá nhân này.
Nhấn mạnh đây là kỳ họp chưa từng có tiền lệ trong suốt 14 khóa Quốc hội đã qua, kể cả những giai đoạn khó khăn như thời chiến tranh, loạn lạc, Tổng thư ký Quốc hội giải thích, một số hoạt động của Quốc hội phải điều chỉnh cho phù hợp, cụ thể như việc giảm thời lượng các phiên thảo luận tại tổ. Tuy nhiên, đó cũng là hướng để tăng hiệu quả mỗi giờ họp của Quốc hội.
Trước nay, nhiều phiên chất vấn, điều trần tại UB Thường vụ Quốc hội đã từng được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh thành. Dù vậy, một kỳ họp Quốc hội có nhiều nội dung, yêu cầu hoạt động, tương tác hơn so với một buổi chất vấn, như biểu quyết, bỏ phiếu, tranh luận… mỗi đại biểu Quốc hội đều phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn để hoàn thành được nhiệm vụ.
Đây cũng là một trong những cách thức làm việc để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 – sự kiện lịch sử làm thay đổi toàn thế giới.
Nội dung làm việc đầu tiên của Quốc hội, ngay sau lễ khai mạc kỳ họp 9, cũng chính là việc xem xét báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó có nội dung về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội.
Khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của đại dịch là nhiệm vụ thời sự, quan trọng hơn bao giờ hết với cả nước thời điểm này, khi các ý kiến đưa ra đều thống nhất nhận định rằng, tác động từ “sự cố” Covid-19 nặng nề, sâu sắc hơn bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào từng xảy ra trong hơn 30 năm đổi mới cho tới nay.
Một vấn đề chắc chắn Quốc hội phải tính toán, xem xét tại kỳ họp này chính là việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra trước đó, cho năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng GDP, thu ngân sách địa phương “không thể không giảm”, kinh tế xã hội sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn từ cả bên trong và bên ngoài, đời sống của mỗi gia đình, người dân và toàn thể xã hội chắc chắn bị giảm sút… Đó là những nhận định chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Dù quyết tâm rất lớn trong việc điều hành kinh tế, đề ra mục tiêu đạt “thắng lợi kép” cả trên mặt trận chống dịch Covid-19 và mặt trận kinh tế xã hội nhưng ít ngày trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp, Chính phủ cũng đã phải nêu đề xuất điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu đã đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng (giảm từ mức 6,8% xuống còn 4,5%).
Kỳ họp thứ 9 này, theo đó, được coi là “cân não” với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất vì mục tiêu số một là bảo vệ, đảm bảo cuộc sống của gần 100 triệu người dân.
Phương Thảo - Như Quỳnh - Quang Phong
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn