Thủ tướng: Nhiều cán bộ ngại dùng công nghệ vì sợ mất quyền kiểm soát

Thứ hai - 30/07/2018 23:46
“Cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy, ngại dùng công nghệ do sợ mất quyền kiểm soát, mất vai trò và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về thực trạng công tác xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay.

Thủ tướng: Nhiều cán bộ ngại dùng công nghệ vì sợ mất quyền kiểm soát
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh bằng văn bản.

Cụ thể, trong văn bản trả lời chất vấn, Thủ tướng cho biết, những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và đã đem lại một số kết quả nhất định. Trong đó, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: dịch vụ công trực tuyến; hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. Năm 2016, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2014 (xếp vị trí 89/193).

Về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, về hạ tầng CNTT, có 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mạng diện rộng WAN, trong đó đã kết nối tới trên 80% số đơn vị thuộc, trực thuộc các bộ, ngành và trên 75% các sở, ngành, quận/huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc đạt 90,95% ở Trung ương, 97,14% ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 90,87% ở UBND cấp huyện.

Về ứng dụng CNTT, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tại 100% các Bộ, ngành, địa phương. Có 18 bộ, ngành và 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung giúp cho việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan, đơn vị. 15 Bộ, ngành và 44 tỉnh, thành phố đã triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng và tích hợp với hệ thống quản lý văn bản, điều hành. Các Bộ, ngành có 98,8% cán bộ, công chức được cấp và thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử và đối với các tỉnh, thành phố tỷ lệ này trên 82%.

Về xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng thông tin, hiện nay, Chính phủ đã triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đang triển khai các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý của mình.

Trong những năm qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng về số lượng cung cấp dịch vụ. So với năm 2016 thì năm 2017 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các Bộ, ngành tăng gần 600 dịch vụ và các tỉnh, thành phố tăng hơn 11.000 dịch vụ.

15 năm phát triển Chính phủ điện tử luôn ở mức trung bình thấp

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng khái quát, việc ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử còn nhiều hạn chế. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 tăng 10 bậc so với năm 2014 tuy nhiên trong hơn 15 năm qua Việt Nam luôn ở mức trên dưới 100, mức trung bình thấp của Bảng xếp hạng.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, chưa có quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước; thiếu các quy định cụ thể về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử và các văn bản quy định việc sử dụng các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán. Các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT chậm được triển khai nhất là cơ chế ưu đãi về thuế trong đó có thuế chuyển nhượng vốn của chủ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thủ tướng: Nhiều cán bộ ngại dùng công nghệ vì sợ mất quyền kiểm soát - Ảnh minh hoạ 2

Một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy, ngại dùng công nghệ do sợ mất quyền kiểm soát, mất vai trò và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát. Bộ phận kỹ thuật có tâm lý cục bộ, không liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu, muốn tự làm hết từ mua máy tính đến phần mềm...

Các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử chậm được triển khai; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được triển khai thiếu sự kết nối, chia sẻ.

Dịch vụ công trực tuyến tuy có tăng về số dịch vụ nhưng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn rất thấp (mức độ 3 khoảng 10%; mức độ 4 khoảng 2%). Dịch vụ công trực tuyến nhất là ở các địa phương triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lắp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ. Các dịch vụ mức độ 3, mức độ 4 có hiệu quả chưa cao, chưa có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp (năm 2017 tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến của các Bộ, ngành mức độ 3 chiếm 39,93%; mức độ 4 chiếm 55,16%; các tỉnh, thành phố mức độ 3 chiếm 11,46%; mức độ 4 chiếm 12,11%).

Tập trung cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Để thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tăng cường phối hợp xây dựng Chính phủ điện tử.

Triển khai các giải pháp công nghệ tập trung vào phát triển nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Tập trung đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử không chỉ gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mà còn phải đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Chính phủ đã phân công rất rõ ràng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, Bộ ngành, địa phương triển khai các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, đặc biệt là phải tập trung vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các Bộ, ngành, địa phương cũng phải căn cứ vào dịch vụ công sẽ triển khai để thuê dịch vụ, không tự làm, tự lập những cơ sở dữ liệu riêng biệt, không kết nối, chia sẻ. Đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tập trung triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa với mục tiêu xây dựng hệ tri thức tổng hợp mọi lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của mọi người dân.

Tác giả: P.T

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây