Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam xác định kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ sáu - 28/06/2019 12:53
(Dân trí) - Ngày 28/6, tại Trung tâm Hội nghị Intex của thành phố Osaka - Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu tham dự các hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). >> >>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam xác định kinh tế số là  động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tại Lễ đón trang trọng trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) đã chính thức đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên thủ các nước thành viên Nhóm G20 và các nước khách mời, cùng lãnh đạo đứng đầu của các tổ chức đa phương toàn cầu quan trọng như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)... 

Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã tham dự phiên thảo luận chuyên đề về kinh tế số do Thủ tướng Nhật Bản Abe chủ trì. Tại phiên thảo luận này, lãnh đạo các nước tham dự đã thông qua Tuyên bố Osaka về kinh tế số; nhấn mạnh tiềm năng to lớn và tầm quan trọng của kinh tế số; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số và các công nghệ mới nổi, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn trong kinh tế số. 

Tại phiên họp chính thức đầu tiên của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo thảo luận tình hình, triển vọng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu. Các nhà lãnh đạo đánh giá kinh tế thế giới cơ bản ổn định, song tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro; khẳng định tiếp tục sử dụng, phối hợp các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm, củng cố lòng tin, ngăn ngừa rủi ro bất ổn…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam xác định kinh tế số là  động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh minh hoạ 2
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị G20

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo nhiều nước đề cao hợp tác quốc tế, kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy cải cách WTO, duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương; tăng cường hợp tác huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu…

Phát biểu tại phiên họp về đổi mới sáng tạo vào chiều 28/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết và sẽ ban hành Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm sự tin cậy; đề nghị cần có khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu. Thủ tướng khẳng định Việt Nam và các nước ASEAN sẵn sàng hợp tác với các nước G20 khuyến khích đổi mới sáng tạo, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số, song vẫn bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế và nội luật quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh cách tiếp cận của các nước G20 về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm; nhấn mạnh sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp.

Thủ tướng đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó có các các trung tâm nghiên cứu – phát triển trí tuệ nhân tạo, để thúc đẩy chia sẻ tri thức, công nghệ mới, hỗ trợ các nước đang phát triển tranh thủ các cơ hội từ đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam xác định kinh tế số là  động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh minh hoạ 3

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp và trao đổi song phương với Chủ tịch Trung Quốc,

Cũng trong ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp và trao đổi song phương với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống các nước Hoa Kỳ, Chile, các Thủ tướng Ấn Độ, Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Tổng Giám đốc WHO để trao đổi về các biện pháp tăng cường và đưa vào chiều sâu quan hệ với các đối tác.

Lãnh đạo các nước đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, chúc mừng Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và mong muốn tăng cường phối hợp với Việt Nam tại tổ chức chính trị - an ninh quan trọng hàng đầu này.

Lãnh đạo các nước cũng bày tỏ ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và mong thúc đẩy quan hệ với ASEAN, đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực. Chủ tịch Ủy ban châu Âu chúc mừng việc Việt Nam và EU sẽ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vào ngày 30/6/2019, qua đó tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên lên tầm cao mới.

Với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là cuộc gặp lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo trong 7 tháng qua. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau hai lần ở Thượng Hải (tháng 11/ 2018) và Bắc Kinh (tháng 4/2019).

Trong cuộc gặp lần này, hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy các thoả thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những cuộc gặp trước đây và nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, tiếp tục tăng cường, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam xác định kinh tế số là  động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh minh hoạ 4

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi  về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước,

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại, năng lượng; sắp tới Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ sẽ sớm ký MOU về hợp tác dài hạn, ở tầm chiến lược, quy mô lớn về năng lượng, nhập khẩu lớn từ Hoa Kỳ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG)...

Tổng thống Donald Trump hoan nghênh và khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược về năng lượng và đề nghị hai nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi; hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hoá và gian lận thương mại của Chính phủ Việt Nam. Tổng thống Donald Trump khẳng định tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam và luôn ủng hộ phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (Giu-xtin Tru-đô)  nhất trí chia sẻ các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là phối hợp trong triển khai và tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác phát triển sang các lĩnh vực mới như tài chính, công nghệ cao, nông nghiệp, năng lượng tái chế... Thủ tướng Canada khẳng định sẽ quan tâm thúc đẩy các biện pháp để tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang học tập nhiều hơn ở Canada. 

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ  Narendra Modi (Na-ren-đra Mô-đi), hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường phát huy hiệu quả, đưa vào chiều sâu quan hệ giữa hai nước về kinh tế, thương mại, năng lượng, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hoá, du lịch và tăng cường kết nối hàng không giữa hai nước.  

Tổng thống Chile Sebastian Pinera (Xê-ba-chiên Pi-nê-ra)  bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam không chỉ trong khuôn khổ song phương đang phát triển tốt đẹp hiện nay mà còn trên các khuôn khổ đa phương, nhất là tăng cường hợp tác của Việt Nam với Liên minh Thái Bình Dương (PA) và hợp tác Chile-ASEAN.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh ngày 30/6/2019 sẽ đi vào lịch sử của quan hệ Việt Nam - EU khi hai bên ký EVFTA và EVIPA; đánh giá cao những cam kết và nỗ lực thực thi của Việt Nam trong hội nhập quốc tế và hợp tác hiệu quả với EU; mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực thúc đẩy để Nghị viện châu Âu thông qua các hiệp định quan trọng này trong năm nay, sớm mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai bên. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom (Tê-đrốt A-ha-nôm) khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với Việt Nam và đánh giá cao những nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Mong Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm tại Hội nghị Cấp cao về chăm sóc y tế toàn dân sẽ diễn ra tại New York (Niu Y-oóc) tháng 9 năm nay. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi nhanh với các Tổng thống Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, các Thủ tướng Canada, Singapore, Hà Lan để thúc đẩy hợp tác song phương và phối hợp trên các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã cùng các nhà lãnh đạo tham dự chiêu đãi chính thức của hội nghị do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ tiếp tục các phiên thảo luận quan trọng vào ngày 29/6 tới về phát phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế, môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu…/.

Theo Nguyễn Thị Hằng

TTXVN

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây