Quan hệ song phương Việt Nam - Australia phát triển nhanh, thực chất và hiệu quả, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009 và Đối tác Toàn diện tăng cường năm 2015. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (14-17/3/2018), hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược.
Hai nước đã thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động giai đoạn 2016 - 2019 và đang xúc tiến xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2020 - 2022 để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược. Australia đánh giá Việt Nam là đối tác then chốt trong ASEAN, đồng thời là đối tác phát triển hiệu quả trong suốt quá trình đổi mới.
Về vấn đề Biển Đông, Australia có quan điểm nhất quán và rõ ràng, yêu cầu các bên duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và một trật tự dựa vào luật lệ; đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc uy hiếp nhằm thay đổi nguyên trạng của Biển Đông; các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Ngày 2/8/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Australia cùng các Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nhật đã ra Tuyên bố ba bên tái khẳng định cam kết đối với luật pháp quốc tế và vai trò của luật pháp quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông.
Australia phản đối mạnh mẽ những hành động mang tính cưỡng ép đơn phương có thể dẫn đến thay đổi nguyên trạng và leo thang căng thẳng như việc xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo, quân sự hóa các thực thể và các hành động khác có thể làm thay đổi vĩnh viễn môi trường biển ở các khu vực chưa được phân định; nhấn mạnh ý nghĩa pháp lý của phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 về Biển Đông; nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không.
Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh, thăm viếng hải quân... Hai bên đã ký MOU về hợp tác đào tạo gìn giữ hòa bình và rà phá bom mìn (2016).
Australia đã hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (2018).Australia là nước duy nhất đặt đại diện thường trực tại Trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam, qua đó hai bên thường xuyên trao đổi thông tin tình báo, hợp tác chống khủng bố, buôn người, tội phạm ma túy...
Về kinh tế - thương mại, Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 4 của Australia trong ASEAN, trong khi Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng trung bình hơn 8,8% mỗi năm, 6 tháng đầu năm 2019 đạt 3,84 tỉ USD (tăng 6,1% so với cùng kỳ 2018).
Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (đạt trung bình 92,7 triệu AUD/năm kể từ 2013-2018). Australia viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 90 triệu AUD để xây cầu Mỹ Thuận (khánh thành tháng 5/2000) và 160 triệu AUD để xây cầu Cao Lãnh (khánh thành tháng 5/2018).
Trong bối cảnh cắt giảm ODA nói chung, Australia tiếp tục dành ODA cho Việt Nam 78,2 triệu AUD (giảm 7%) trong năm tài khóa 2019-2020, tập trung trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, nâng cao năng lực, bình đẳng giới và cải thiện sinh kế.
Bài: Châu Như Quỳnh
Ảnh: Nhật Minh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn