Trước khi vào nội dung tiếp thu, giải trình các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, mục tiêu đặt ra theo tinh thần cương lĩnh phát triển đất nước thời kỳ quá độ được điều chỉnh, bổ sung năm 2011 là đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Thủ tướng, những khó khăn, thách thức phía trước không hề nhỏ. Xóa đói giảm nghèo đã khó, làm cho đất nước cường thịnh, bền vững, thu hẹp và tiến kịp các nước phát triển, sẽ càng khó khăn hơn nhiều.
Nối tiếp truyền thống chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang, chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn, gian khổ của ông cha, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường với tất cả lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
“Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm” – Thủ tướng nhận định.
Nói về nguồn lực để phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, nguồn lực lớn nhất không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.
Thủ tướng chùng giọng: “Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn! Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước phải cùng quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thủ tướng phân tích, để chủ trương, chính sách thực thi có hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt. Bài học thấy rõ là cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt. Không ít ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng ngược lại nhiều nơi còn rất thấp.
Vấn đề, theo Thủ tướng, chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi chúng ta, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện.
Báo cáo về các nội dung cụ thể, Thủ tướng đề cập trước hết vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng cho rằng, việc này cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn. Các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình; không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Về dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng nhắc lại cam kết khởi công làm sân bay vào đầu năm 2021, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 và triển khai xây dựng 8 dự án thành phần của tuyến cao tốc vào giữa năm sau.
Nhắc đến việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhìn nhận, hiện còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và bờ sông, bờ biển sạt nghiêm trọng...
Ông cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.
Về công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng nêu thực tế, Việt Nam đang phải đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các đô thị lớn, trong đó nổi lên là ô nhiễm nguồn nước, không khí, và vấn đề rác thải, úng ngập…
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; xây dựng các kịch bản phòng ngừa, xử lý sự cố môi trường như ô nhiễm không khí, bụi mịn, an ninh nguồn nước…
Về các vấn đề xã hội bức xúc mà đại biểu Quốc hội nêu như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; hành xử côn đồ; tai nạn giao thông, đuối nước, cháy nổ nghiêm trọng…, Thủ tướng phân tích, trình độ phát triển và tiến bộ của một dân tộc không chỉ đo bằng thành tích kinh tế mà còn đo bằng môi trường sống và các giá trị văn hóa, văn minh.
Kinh tế thị trường đem lại cho chúng ta điều kiện vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng có mặt trái là dễ làm cho con người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, dễ bỏ qua hoặc lãng quên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Vì vậy, Thủ tướng lưu ý, cần phải có chiến lược, biện pháp cụ thể để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống là trách nhiệm xã hội của mỗi công dân.
Về năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ, Thủ tướng xác nhận còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán ở một số bộ, ngành, địa phương cả về tư duy lẫn hành động trong quản trị Nhà nước, trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo rà soát chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp, không phân định và xác định rõ trách nhiệm trong việc triển khai thi hành nhiệm vụ, thúc đẩy điện tử hóa, số hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, gắn với tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng được Thủ tướng khái quát là một cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức. Thủ tướng khẳng định, phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cùng các cơ quan rà soát, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…
“Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc”, Thủ tướng nêu thông điệp chốt lại phần báo cáo.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) nói về việc Tổng Cục thống kê đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam năm 2017 là 270 tỷ USD chứ không phải 225 tỷ USD đã công bố trước đó. Tương tự, GDP năm 2018 theo cách đánh giá này cũng cao hơn nhiều con số Chính phủ đã báo cáo. Đại biểu muốn biết ý kiến của Thủ tướng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu vừa qua cho thấy lỗ hổng lớn trong việc cung cấp nguồn nước, đảm bảo an ninh nước. Đại biểu cũng đề cập đến vụ án AVG và nói sẽ gửi câu hỏi cụ thể tới Thủ tướng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi, Chính phủ làm gì để thị trường khoa học công nghệ phát triển?
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề cập, năm 2020 Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng cho biết những quyết sách của Thủ tướng để tận dụng cơ hội này đối với đất nước thời gian tới? Thủ tướng sẽ tập trung như thế nào đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện tốt một trong ba trọng tâm của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội, đó là pháp luật tụt hậu so với cuộc sống. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này và Quốc hội tổ chức giám sát nội dung cấp bách đó.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) chất vấn, Thủ tướng đánh giá thế nào về mức độ độc lập tự chủ nền kinh tế nước ta hiện nay?
Thủ tướng dành thời gian trả lời 9 câu hỏi được chuyển tới lãnh đạo Chính phủ qua 2 ngày rưỡi chất vấn tại nghị trường Quốc hội. Trước hết, Thủ tướng nói về việc dùng trái phiếu Chính phủ để thưởng cho các địa phương hoàn thành chương trình nông thôn mới nhưng sau đó chủ trương đã dừng lại. Thủ tướng ủng hộ quan điểm dừng này, yêu cầu Bộ Tài chính tìm nguồn khác để thực hiện việc này.
Với câu hỏi của đại biểu Kim Bé về việc triển khai các hiệp định thương mại tự do đã được ký, Thủ tướng cho biết 13 hiệp định FTA đã ký và không thể không hội nhập trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải có công cụ phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập.
Ngoài ra, nhà nước phải tạo môi trường thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân để người dân đứng được trên đôi chân của mình.
Về vấn đề nước sạch đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề cập, Thủ tướng khẳng định cần thực hiện nghiêm luật Quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra, cần có quy hoạch sử dụng nguồn nước để tránh những nguy cơ, rủi ro với nguồn nước như xảy ra tại Hà Nội.
Đại biểu đề cập tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ với những doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện theo đúng quyết định 205 năm 2016.
Về việc đại biểu Lê Thanh Vân nói tới dự án nhà máy điện tại Bạc Liêu, Thủ tướng nhấn mạnh đã có cuộc họp với các ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Điện lực Việt Nam để giải quyết. Chính phủ xác định xây dựng nhà máy điện khí không trái quy định nên cần đưa ngay, bổ sung vào sơ đồ quy hoạch điện 7. Bạc Liêu cần triển khai ngay việc này, lưu ý các cấp, các ngành có liên quan không được để chậm trễ để tình trạng như vị đại biểu Quốc hội đã phản ánh.
Tương ứng, đại biểu Nguyễn Thị Yến ở Bà Rịa Vũng Tàu cũng đề cập đến xung quanh điện khí hoá lỏng phát triển địa phương như thế nào. Thủ tướng thông tin, sẽ có quy hoạch cụ thể để đảm bảo giữa cung và cầu, kể cả nguồn lưới điện. “Tôi nhắc tới điện khí hoá, điện khí là một loại nhà máy điện hơn các nhà máy điện than rất nhiều. Chính vì vậy vấn đề quy hoạch phát triển điện khí Việt Nam đảm bảo cạnh tranh, bảo đảm lợi ích quốc gia với dân tộc” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nêu nghịch lý, Việt Nam vẫn nhận là người dân được dùng điện giá rẻ nhưng đến nay mới sản xuất được công suất 39.000 MW. Sắp tới, cần phát triển mạnh các nguồn điện, nhất là ở phía Nam để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, kịp thời cho sản xuất tiêu dùng của nhân dân.
Thủ tướng thông tin kết quả cả nước đã giảm được tỷ số tiêu thụ điện năng trên GDP, trước đây một điểm GDP cần tới 2 điểm điện năng, giờ giảm xuống còn 1,6-1,7 điểm điện năng. Theo Thủ tướng, cần phải tính tới mức độ tăng trưởng để phát triển điện đảm bảo cơ cấu nguồn điện một cách phù hợp.
“Hiện nay, điện không phải chỉ là để phát triển kinh tế mà năng lượng còn quyết định đến an ninh trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Tôi có lần đã nói, cơ quan nào đơn vị có chức năng sản xuất, cung ứng điện, không đảm bảo cấp điện thì sẽ mất chức chứ không phải bình thường” – Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề.
Việt Nam đã có Ban chỉ đạo quốc gia về năng lượng với đầy đủ các cấp, các ngành tham gia. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó trưởng Ban Thường trực phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời.
Thủ tướng quán triệt, không phải để "nước đến chân mới nhảy", không được công bố tình trạng thiếu điện. Phải xây dựng cho được một nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập.
Về vấn đề kinh tế tư nhân, Thủ tướng khẳng định, Đảng đã khẳng định đây là một trong những động lực quan trọng trong phát triển đất nước. Trung ương gần đây đã có một nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân. Hiện lĩnh vực này đóng góp tới 40% GDP cả nước. Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư nhứng sản phẩm có chất lượng…
Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Những doanh nghiệp nào đóng góp tốt cho phát triển, nhất là lĩnh vực đầu tư khoa học công nghệ mới thì cần thưởng huân huy chương cho doanh nghiệp đó”. Theo Thủ tướng, điều đó có nghĩa không có sự phân biệt giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước.
Với câu hỏi của đại biểu Phương (Quảng Bình) về phát triển điện tới vùng sâu, vùng xa, Thủ tướng nêu con số, cả nước đã có trên gần 99% số xã và 98% số thôn đã có điện lưới quốc gia. Đây là cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành của Bộ Công Thương và đặc biệt là Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam. Nhưng vẫn còn một số bản làng xa xôi chưa có điện lưới quốc gia hoặc các hình thức cung cấp điện khác.
Thủ tướng gợi ý, không phải tất cả phải dùng điện lưới quốc gia mà có thể dùng các hình thức điện khác như điện mặt trời, thuỷ điện nhỏ và một số hình thức phát điện như Bộ trưởng Công Thương đã đề cập.
Sắp tới đây Điện lực Việt Nam tiếp tục chỉ đạo để phủ kín việc có điện cho các bản làng xa xôi, những vùng khó khăn. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Vấn đề công tác cán bộ mà đại biểu Nguyễn Thị Dung đề cập hôm qua về việc thi tuyển, bổ nhiệm, những tồn tại, bất cập, theo Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thẳng thắn đề cập. Bộ Nội vụ sẽ sớm trình Thủ tướng thay đổi các văn bản Nghị định 27 từ năm 2003, một văn bản tồn tại đã quá lâu.
“Tôi tin rằng lời hứa của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ ban hành mới để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ” – Thủ tướng quả quyết.
Về chất vấn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phản ánh việc ít áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước, Thủ tướng nhắc tới chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số. Trung ương đã xác định cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải cách giáo dục, nhất là cải cách hành chính thì hiện đại hoá nền hành chính được xác định là một trong 6 trụ cột trong cải cách hành chính nhà nước.
Về quy mô GDP, theo Thủ tướng, nếu tính theo phương pháp mới thì con số đã tăng thêm 0,5%, tức quy mô nền kinh tế đã đến mức 310 tỷ USD. Tuy nhiên, việc tính toán các phương án phát triển hiện vẫn dựa theo những con số cũ, theo cách tính cũ và việc này được công khai, minh bạch theo các quy định quốc tế. Việt Nam cũng mời các tổ chức độc lập như IMF, ADB để cùng tham gia tính quy mô GDP.
Thủ tướng nhắc tới câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thân về tận dụng thời cơ làm Chủ tịch ASEAN 2020 cùng với vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Thủ tướng xác nhận, ít khi có cơ hội trùng lặp 2 sự kiện lớn như vậy trong hoạt động đối ngoại của đất nước, cần tận dụng để đưa đất nước phát triển lên vị thế mới.
Với ASEAN, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt 3 mục tiêu, tiếp tục giữ gìn đoàn kết nội khối, lấy ASEAN là trung tâm để nâng cao vị thế Việt Nam, đặc biệt đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư trong nội khối thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, các nước ASEAN cùng đấu tranh giữ gìn hoà bình thống nhất để bảo vệ Luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông của Việt Nam.
Về vấn đề phát triển kinh tế ban đêm, Thủ tướng nêu con số, khách du lịch đến Việt Nam năm 2019, đến thời điểm này là 18 triệu lượt, phần lớn trái múi giờ, giờ người Việt đi ngủ thì du khách lại muốn đi chơi.
Không được để lỡ thời cơ phục vụ khách, tăng cường những hiểu biết về văn hoá ẩm thực các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Như vậy, kinh tế ban đêm có khả năng tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động. Vậy nên, Thủ tướng mong các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm.
Thủ tướng dẫn chứng, ban đêm ở Cần Thơ rất sầm uất, còn một số thành phố khác thì 22h đêm đã không còn hoạt động kinh tế xã hội, giải trí gì. Hiện nay, TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng hướng phát triển kinh tế ban đêm tốt hơn, tổ chức đa dạng phù hợp và quản lý tốt hơn để tránh những mặt tiêu cực của khu vực kinh tế này.
Về vấn đề pháp luật chồng chéo, đại biểu Thanh Hồng đề cập, Thủ tướng xác nhận có tình trạng này. Theo Thủ tướng, cần rà soát để sửa. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần sắc sảo để phát hiện được những hiện tượng này, sớm sửa chữa. Thủ tướng gợi ý cơ chế một luật sửa nhiều luật với tinh thần chỉ đạo không để vướng mắc pháp luật cản trở quá trình phát triển.
Về mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Yến đề cập, Thủ tướng cho rằng, điều đó không có nghĩa Việt Nam “một mình một chợ” mà tự chủ, độc lập trong kinh tế hội nhập để nền kinh tế có khả năng chống chịu với những cú sốc của nền kinh tế.
Dẫn chứng dịch tả lợn Châu Phi ảnh hưởng lớn tới nguồn cung thịt lợn, Tết này cả nước có thể thiếu thịt, làm cho mặt hàng này trong rổ hàng hóa tính CPI tăng vọt lên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải chủ động ứng phó.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng là nền kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ rất đáng mừng trong quá trình độc lập, tự chủ. Từ một nước thiếu ăn, toàn phải ăn bo bo, phân phối tem phiếu đến nay xuất khẩu nông nghiệp trên 4,2 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh, doanh nghiệp Nhà nước được củng cố một bước, doanh nghiệp tư nhân đã được phát triển mạnh.
Trong thời gian qua, thu ngân sách, xuất khẩu, dự trữ ngoại hối, giải quyết việc làm… đều tăng trưởng, thể hiện một nền kinh tế ít phụ thuộc tiến tới một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thủ tướng cũng nhắc tới mục tiêu để Việt Nam không chỉ là một cường quốc kinh tế mà còn là một cường quốc văn hóa có trên 4.000 năm lịch sử. Đó là sức mạnh nền tảng rất lớn của dân tộc.
Việt Nam có sự phong phú về dân tộc, có truyền thống đoàn kết dân tộc, đặc biệt có nhiều lễ hội tốt để phát huy.
Cụ thể, cả nước có 13.000 lễ hội, Đó là truyền thống quý mà không phải dân tộc nào cũng có. Vậy thì càng phải coi trọng văn hóa, phát triển và giữ gìn văn hóa dân tộc.
Thủ tướng tán thành quan điểm của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) nói là phải dành một khoản kinh phí cần thiết cho văn hoá, 1,7 - 1,8% GDP theo Nghị quyết của Trung ương.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói, tăng trưởng bao trùm là một quan điểm được quốc tế nhắc đến nhiều, Thủ tướng cũng từng nói. Vậy giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm một cách hiệu quả, thực chất? Việt Nam có rất ít doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh quốc tế. Với chỉ hơn 1 năm nhiệm kỳ còn lại, Thủ tướng làm gì để thúc đẩy phát triển những doanh nghiệp Việt?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng quan tâm tới vấn đề phát triển kinh tế tư nhân. Đại biểu muốn biết giải pháp của Chính phủ để khu vực kinh tế này phát triển tương xứng mức đóng góp 40% GDP?
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) đề cập, xã hội hoá các dịch vụ công được Thủ tướng Chính phủ quan tâm quan tâm như thế nào? Thủ tướng có chỉ đạo các bộ, ngành xác định danh mục các dịch vụ công, các hoạt động có thể giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập để Bộ tập trung vào công tác quản lý nhà nước như xây dựng? Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến pháp luật và kiểm tra giám sát việc thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước của các bộ ngành nhằm tránh việc độc quyền, vừa đá bóng vừa thổi còi và giảm tải công việc cho các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức công lập thực hiện các loại dịch vụ này?
Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng áp dụng CNTT để xây dựng Chính phủ?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận xét, GDP phản ánh được quy mô của nền kinh tế nhưng không phản ánh được chất lượng nền kinh tế, không phản ánh được tính hài hòa của phát triển, không phản ứng hết hiệu ứng tiêu cực của tăng trưởng, nhất là khi kim ngạch xuất khẩu đang gấp khoảng 2 lần GDP. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm các chỉ tiêu đánh giá, đặc biệt là chỉ tiêu tổng thu nhập quốc dân. Ý kiến của Thủ tướng?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) muốn biết Thủ tướng phân bổ ngân sách thế nào cho khu vực khó khăn để thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”?
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề cập, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, có 46 địa phương phải sắp xếp nhưng đến nay vẫn còn 44 địa phương chưa xây dựng đề án, gửi UB Thường vụ Quốc hội, trong khi Đại hội Đảng XIII đang đến gần?
Trả lời các câu hỏi, Thủ tướng nói về đề án phát triển ĐBSCL. Đánh giá tình hình khu vực, Chính phủ đã tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức các hội thảo. Chính phủ cũng có nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mới đây Chính phủ đã tổ chức sơ kết lần thứ 2 việc thực hiện nghị quyết này. Đúng là biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh nhưng cũng chưa có cơ sở khoa học nào, kết luận nào cho thấy ít năm nữa khu vực ĐBSCL và nhiều đô thị khu vực này sẽ chìm dưới nước.
Tuy nhiên, về chiến lược phát triển thì Chính phủ đã xây dựng theo quan điểm là “thuận thiên” nhưng đi kèm với phát triển những công trình “cứng” ở khu vực.
Bộ trưởng GTVT từng trình bày trước Quốc hội kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng khu vực. Rồi những vấn đề khác như phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ… Hãy biến nguy cơ thành thời cơ. Giờ nhiễm mặn, ngập mặn cũng là một thời cơ mà như Hà Lan đã tận dụng được triệt để. Israel cũng là một ví dụ của sự thành công, một nước sa mạc, thiếu nước mà giờ thành một cường quốc nông nghiệp. “Chúng ta phải biến nguy cơ thành thời cơ ở chỗ đó” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Vấn đề tăng trưởng bao trùm, theo Thủ tướng, cần nhấn mạnh mô hình tăng trưởng hướng tới sự bình đẳng để người dân nơi nào cũng được tiếp cận các cơ hội, mọi người dân được thụ hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bỏ lại phía sau. Theo đó, Chính phủ đã có 18 chương trình có liên quan đến phát triển đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Giải pháp tiếp theo là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng bình đẳng, công khai, công bằng. Thủ tướng đề nghị tập trung hỗ trợ các khu vực khó khăn để thực hiện các mục tiêu phát triển bao trùm. Trong đó, quan trọng là vấn đề tạo sinh kế, đào tạo nghề cho người dân, phát triển hợp tác xã để hướng dẫn người dân làm ăn, có thu nhập. Những chương trình như tài chính vi mô, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo… rất quan trọng.
Qua phần đăng đàn của 4 Bộ trưởng trước đó (Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng), một số chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội chia sẻ là đồng thời gửi đến Thủ tướng Chính phủ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề giảm diện tích đất lúa, gỡ “thẻ vàng” với thủy sản được một số đại biểu đặt ra với nhận định, thẩm quyền xử lý vấn đề nằm ở lãnh đạo Chính phủ.
Trong lĩnh vực công thương, vấn đề chiến tranh thương mại, tháo gỡ khó khăn cho những dự án điện chậm tiến độ để đảm bảo an ninh năng lượng cũng cần ý kiến từ phía Chính phủ.
Lĩnh vực nội vụ, vấn đề thể chế hóa chính sách, những nghị định Chính phủ đã “nợ” hàng chục năm, tình trạng “cả họ làm quan”, công chức nhũng nhiễu… cũng sẽ là nội dung nhiều đại biểu đề nghị dành cho Thủ tướng trao đổi thêm…
Trong phần đăng đàn của mình, Thủ tướng có thời lượng không giới hạn để báo cáo, làm rõ các vấn đề liên quan đến các nội dung chất vấn các Bộ trưởng hơn 2 ngày qua. Thời gian còn lại Thủ tướng sẽ chọn một số chất vấn của các đại biểu Quốc hội để trả lời trực tiếp trước nghị trường. Nếu không đủ thời gian để giải đáp hết các chất vấn, Thủ tướng sẽ tiếp tục trả lời bằng văn bản.
Theo chương trình dự kiến ban đầu về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 này, phần đăng đàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được dành trọn cả buổi chiều nay. Đó sẽ là một thay đổi so với thông lệ. Tuy nhiên, chương trình sau đó đã được điều chỉnh và thời lượng cho phần chất vấn Thủ tướng Chính phủ thu lại trong khoảng 1 tiếng 30 phút.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn