“Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019” diễn ra từ ngày 10-15/12, với nhiều hoạt động như: Hội chợ thương mại du lịch; liên hoan ẩm thực; tọa đàm liên kết du lịch; khánh thành cụm các công trình Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, liên hoan giao lưu nghệ thuật, hội thi sân khấu cải lương không chuyên “Hương sắc Cửu Long” lần 1,…
Sự kiện này được tổ chức với quy mô cấp tỉnh và mở rộng mời TP Hà Nội, TPHCM, tỉnh Ninh Bình, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và một số tỉnh có hợp tác của nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi, Cà Mau chất chứa trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước vừa đậm chất bản địa, vừa mang dấu ấn của những người con lưu hương, những lễ hội như lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Vía Bà Thiên hậu, lễ hội mừng năm mới Chol Chnam Thmay của người Khmer, tất cả vừa toát lên nét tín ngưỡng văn hóa đặc trưng, vừa thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer.
Sự tài hoa và khéo léo của con người Cà Mau được thể hiện qua những sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng, như chiếu Tân Thành, tôm khô Rạch Gốc, hầm than đước Ngọc Hiển, mắm ba khía Rạch Gốc, đủa đước Năm Căn... đã góp phần đa dạng hóa nét văn hóa, từ đó làm giàu cho các sản phẩm du lịch Mũi Cà Mau.
Theo Thủ tướng, khác biệt hơn tất cả các miền đất khác, Đất Mũi Cà Mau còn nổi tiếng là nơi “đất biết nở, rừng biết đi, bờ biển sinh sôi”. Đó là bờ biển dài 254 km từ Đông sang Tây trong vùng biển thềm lục địa thuộc chủ quyền 71.000 km2; Đó là dãy rừng ven biển ngập mặn, ngập lợ, cả rừng tràm nằm sâu trong đất liền, tạo nên hệ sinh thái động, thực vật phong phú; Đó là khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, đan xen những rừng cây là những dòng sông uốn lượn, dưới tán rừng là những đầm tôm, ruộng lúa, cùng các vườn cây ăn trái, sân chim tự nhiên có nhiều loài chim muông quý hiếm... tạo nên các tuyến du lịch sinh thái vô cùng độc đáo và hấp dẫn.
Với tài nguyên du lịch phong phú và bản sắc, năm 2018, Cà Mau đón hơn 1,24 triệu lượt khách, tăng hơn 16% so với năm 2017, doanh thu du lịch đạt trên 2.200 tỷ đồng và dự kiến năm 2019 đạt gần 1,7 triệu lượt khách. Đây là kết quả khá tích cực và rất ý nghĩa trong bối cảnh điểm yếu về giao thông kết nối cơ sở hạ tầng và nhiều “nút thắt” khác đặt ra cho cả vùng ĐBSCL nói chung và vùng Cà Mau nói riêng.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và những thành tựu của Đảng bộ và chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Cà Mau trong thời gian vừa qua”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau” là một cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh một Cà Mau giàu tiềm năng, năng động, cởi mở, một Mũi Cà Mau khát vọng rẽ sóng ra khơi xa.
Đặc biệt, nhân sự kiện quảng bá du lịch quan trọng này, chúng ta long trọng tổ chức khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội trao tặng cho Cà Mau.
“Đây là việc có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý thể hiện tình cảm sâu sắc của Hà Nội với Cà Mau và của cả nước với Cà Mau, tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc, chủ quyền quốc gia của Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, ngành du lịch toàn cầu đang trong tiến trình chuyển đổi mạnh mẽ theo những nhu cầu thị hiếu mới của du khách. Đó là phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Xu hướng phát triển này rất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Cà Mau.
“Vì thế, tôi kỳ vọng rằng Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau sẽ là sự khởi đầu cho những thảo luận trao đổi, khơi dậy niềm cảm hứng mới, quyết tâm mới, có nhiều ý tưởng mới, hợp tác mới giúp du lịch Cà Mau tăng tốc thời gian tới”, Thủ tướng kỳ vọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong quá trình phát triển, cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị hệ sinh thái đặc thù của vùng đất ngập nước, khai thác có hiệu quả lợi thế của khu sinh quyển thế giới trong việc phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, thắng cảnh và kho tàng văn hóa giàu có đậm đà bản sắc. Đó là những tiềm năng du lịch và lợi thế so sánh lớn của Cà Mau không nên để mất, không để suy giảm.
Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội cùng quan tâm hơn, cùng vào cuộc để khắc phục những hạn chế, yếu kém của ngành du lịch, những khó khăn về hạ tầng kết nối, đổi mới tư duy kinh doanh, thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân để xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, văn hóa, thân thiện.
“Nụ cười tỏa nắng của đại sứ du lịch là hình ảnh thu hút quảng bá, hình ảnh của một quốc gia, một vùng đất. Trong thời đại số, trong kỷ nguyên du lịch thông minh ngày nay, nụ cười tỏa nắng của mỗi người dân Cà Mau đại diện cho sự thân thiện, hồn hậu, tận tâm với du khách, là cách quảng bá và phát triển du lịch hiệu quả nhất, bền vững nhất và chi phí thấp nhất”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tạo mọi điều kiện thuận lợi để Cà Mau phát triển toàn diện, đặc biệt là ngành du lịch dịch vụ, tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống và làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình.
Huỳnh Hải
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn