Trong chương trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019, nhiều công nhân đã chia sẻ, góp ý những vấn đề còn tồn tại ở doanh nghiệp mình.
Cụ thể, các công nhân cho rằng, hiện nay tiền lương của người lao động tại Việt Nam vẫn còn rất thấp, thậm chí tiền lương của công nhân tại nhiều nơi chỉ cao hơn tiền nhà một chút, không đủ trang trải cuộc sống.
Công nhân và người lao động kỹ thuật cao cũng mong muốn được doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo tay nghề và những kỹ năng nâng cao để phát triển nghề nghiệp.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay, nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng khi ra trường vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và còn nặng lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành.
Bà Mai Thanh, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm đào tạo từ Đức vì Đức là một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật chế tạo phát triển, đặc biệt là ngành cơ khí. Một công nhân, thợ cả ở Đức có mức thu nhập còn cao hơn cả kỹ sư. Điều này cho thấy, nguồn lao động kỹ thuật cao rất được trọng dụng ở đất nước bạn. Và muốn có được nguồn lao động kỹ thuật cao thì việc đào tạo là vô cùng quan trọng.
“Các doanh nghiệp như chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các trường để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ về máy móc cho các trường, thậm chí là đất để xây dựng trường học, miễn là chúng ta có thể nhanh chóng có nguồn nhân lực tốt để phục vụ công cuộc phát triển của nước nhà”, bà Mai Thanh nói.
Theo bà Thanh, bà đã từng thăm một công trình xây dựng tại Thái Lan và bà khá bất ngờ khi công trình xây dựng này có rất ít người. Trong khi ở Việt Nam thì công trình xây dựng luôn đông đúc. Sở dĩ Thái Lan có ít công nhân trên công trường vì các trang thiết bị thi công, xây dựng đã được đáp ứng tốt hơn Việt Nam, dẫn đến việc không cần nhiều công nhân phải có mặt.
Cũng theo bà Thanh, lao động kỹ thuật cao cũng cần phải trang bị thêm ngoại ngữ, bởi nếu có kiến thức, kỹ năng nhưng không trình bày được, không tiếp cận được với những tài liệu nâng cao của nước ngoài thì khó mà theo kịp tốc độ phát triển trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, muốn học ngoại ngữ thành công thì yếu tố đầu tiên chính là người lao động phải ham học hỏi và tự nỗ lực cá nhân. Người lao động có thể tự học trên chiếc điện thoại thông minh. Sau đó mới là những sự hỗ trợ tiếp theo từ Nhà nước, doanh nghiệp.
Ngoài những chính sách phát triển đào tạo thì cần phải có những chính sách khuyến khích kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong toàn dân. Hiện nay, công nhân và người lao động vẫn chưa được quan tâm sâu sát và đây cũng là đối tượng dễ gặp phải những rủi ro trong bối cảnh hiện nay.
Bí thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, vấn đề đào tạo đã được nói đi nói lại trong nhiều năm qua và nguyên nhân chính vẫn là đào tạo chưa sát nhu cầu.
Chính vì vậy, doanh nghiệp và các trường đào tạo nhân lực phải “bắt tay” nhau, liên kết cùng nhau. Nhiều doanh nghiệp có nguồn nhân lực kỹ thuật cao đã thực hiện nghiên cứu thành công các công nghệ mới, hiện đại và vấn đề của các doanh nghiệp này chính là vốn. Việc của Nhà nước là tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp này để đầu tư, phát triển.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, gặp gỡ công nhân, người lao động là chương trình vô cùng quan trọng để Chính phủ, các Bộ, ngành có thể lắng nghe người lao động và đưa ra những chính sách phù hợp. Qua chương trình, Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, từng địa phương để giải quyết các kiến nghị, không phải nói xong rồi thôi.
“Các bạn phải có khát vọng vươn lên. Hãy giảm thời gian lướt web vô ích, giảm chơi game lại, hạn chế ngồi cà phê kéo dài, nhất là các bạn công nhân, lao động trẻ. Các bạn phải tự cập nhật kiến thức, tự khắc phục những khó khăn bởi ai cũng có những khó khăn của riêng mình. Việc tự học là rất quan trọng”, Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, các doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của công nhân, người lao động. Cần có những chính sách đãi ngộ tốt với người lao động. Các Bộ, ngành cũng cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nghiên cứu chính sách tiền lương phù hợp, khắc phục dần việc thu nhập của công nhân Việt Nam quá thấp so với mặt bằng chung.
Đại Việt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn