Thủ tướng: Cần bãi bỏ những chính sách kìm hãm nông nghiệp phát triển

Thứ hai - 26/12/2016 20:17
Những thể chế, những chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn không phát triển được hoặc chậm phát triển thì kiến nghị Thủ tướng để bãi bỏ, nhất là những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ.

 

 Quang cảnh Hội nghị...

Quang cảnh Hội nghị...

 

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) diễn ra ngày 26/12, tại Hà Nội.

 

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị...

 

Sau khi nghe ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, báo cáo những thành tựu đạt được và khó khăn thách thức của ngành nông nghiệp trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của ngành nông nghiệp trong những năm qua. Đặc biệt, năm 2016, mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ vững vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế ở mọi hoàn cảnh, góp phần đáng kể cho tăng trưởng chung GDP của cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, ngành nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần được khẩn trương khắc phục vì dư địa trong lĩnh vực này còn rất lớn, như: Nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế; áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp chưa cao; tình trạng an toàn thực phẩm trong nông nghiệp còn nhiều bất cập, do hiểu biết, do đạo đức kinh doanh; Phân bón, thuốc trừ sâu, giống,… chưa quản lý tốt; Thương mại điện tử trong nông nghiệp phát triển chưa đáng kể.

 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai không có Tết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai không có Tết.

 

Cũng theo Thủ tướng, tình trạng phá rừng vẫn đang là vấn đề rất lớn, đe dọa sự phát triển của đất nước. Vấn đề xây dựng nông thôn mới cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt ở một số địa phương có điều kiện đối với xây dựng nông thôn mới nhưng lại chưa quan tâm; trong khi nhiều địa phương khác rất quan tâm, mà đây là cuộc cách mạng đối với nông dân. Xây dựng nông thôn nhiều địa phương mới chỉ chú trọng đến vấn đề phát triển hạ tầng, chưa quan tâm đến đời sống thu nhập của người dân.

“Hệ thống thủy lợi, nhất là các hồ chứa, kênh dẫn còn bất cập gây nguy hiểm và lãng phí nguồn nước. Ở Bình Định còn có thực trạng những “quả bom nước” đang treo lơ lửng trên đầu người dân. Thanh tra Bộ NN&PTNT làm tương đối tốt, nhưng hệ thống thanh tra các Sở NN&PTNT làm chưa tốt. Sở nào, Cục nào cũng có thanh tra, một lực lượng rất lớn, nhưng tôi thấy đội ngũ này làm việc chưa hiệu quả” – Thủ tướng nói.

Một vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên vấn đề này đang còn nhiều hạn chế.

Thủ tướng nhấn mạnh, cá nhân, tổ chức nào mà tuyên bố làm được nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ở đâu, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ sẽ đồng ý ngay. Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao có yêu cầu riêng, không phải làm theo phong trào, nhưng nếu dùng cơ chế bao cấp xin cho là không được. Hiện nay, Nhà nước đang dành một gói tín dụng 50-60 nghìn tỷ đồng để cho nông nghiệp công nghệ cao, nguồn vốn này tập trung ở nhiều ngân hàng. Do đó, các tổ chức, cá nhân nếu làm nông nghiệp cao sẽ được ưu đãi nhiều mặt.

Vấn đề sử dụng đất nông nghiệp cho phát triển sản xuất, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngành nông nghiệp chưa tận dụng hết nguồn lực từ đất đai, nhiều diện tích “bờ xôi, ruộng mật” còn chưa phát huy hết tiềm năng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

“Chúng ta đã dành 3,8 triệu ha cho đất lúa, tuy nhiên thực tế sử dụng không hết hoặc không hiệu quả. Chính vì vậy cần sử dụng linh hoạt diện tích đất này cho các cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản thì sẽ hiệu quả hơn, tránh để lãng phí đất đai” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Tại Hội nghị trên, Thủ tướng đã đưa ra một số giải pháp mang tính chiến lược cho ngành nông nghiệp vận dụng để khắc phục những bất cập nêu trên và phát huy hết tiềm năng của mình. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp cần thực hiện ngay một số công việc trước mắt như tập trung khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; Huy động mọi nguồn lực để lo cho người dân vùng chịu thiệt hại thiên tai có một cái Tết đầm ấm, tuyệt đối không được để người dân nào không có Tết; Chuẩn bị tốt cho vụ sản xuất Đông Xuân tại khu vực bị thiên tai nói trên thật tốt, để người nông dân có cuộc sống ổn định hơn trong năm 2017.

Nguyễn Dương

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây