ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề cập tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng có sự bùng nổ của báo, tạp chí chuyên ngành trên lĩnh vực dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm điều cấm? Thương mại hoá báo chí ngày càng phổ biến do cạnh tranh với các nguồn thông tin trên không gian mạng, nguồn thu của báo chí sụt giảm đáng kể, tạo áp lực lớn đến kinh tế báo chí, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của phóng viên, biên tập viên và hoạt động tổ chức, xảy ra tiêu cực. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn đề chống tin giả, tin sai sự thật không chỉ của Việt Nam mà mang tính toàn cầu, chúng ta cũng đã bàn đến nội dung này khá nhiều lần. Nói về một số giải pháp mới, Bộ trưởng cho rằng, đầu tiên là hoàn thiện thể chế. Trước đây chúng ta mới quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Trong Nghị định mới ký các đây chưa được 1 tuần, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng khi vi phạm vấn đề này.
"Trước đây, chúng ta nghĩ nhiều đến việc đây là trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng thực ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội, họ có không gian riêng, thuê bao riêng, hàng trăm triệu, hàng tỷ người dùng thì họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin xấu độc, sai sự thật" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Về truyền thông, theo Bộ trưởng, đây là không gian mới. Chúng ta sống trong thế giới thực hàng chục nghìn năm rồi nhưng vẫn còn các vấn đề tồn tại. Không gian mới là không gian số, mới được khoảng 20 năm, mới lạ với tất cả chúng ta. Bởi vậy, vấn đề truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng trên không gian số là cần thiết; đào tạo cho cả thế hệ tương lai, học sinh trong trường phổ thông...
Hiện nay, Bộ TT&TT đang tập trung 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai sự thật, tin xấu độc thì họ có nơi để phản ánh, đề nghị giúp đỡ là Trung tâm Chống tin giả quốc gia, và gần đây các địa phương bắt đầu thành lập các trung tâm như này ở các địa phương.
Liên quan đến chất vấn về tiêu cực của phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kể lại câu chuyện, năm 2018 ông về làm Bộ trưởng Bộ TT&TT, có đọc một nghiên cứu về uy tín nghề nghiệp, lúc đó phóng viên xếp thứ 9/10, đứng thứ 10 là những người đi bán bất động sản online. "Tư cách đạo đức của phóng viên được quan tâm trong những năm gần đây. Năm 2022, cũng tổ chức đó đánh giá lại thì phóng viên xếp thứ 3, sau giáo viên và bác sỹ", Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng cho rằng, lý do của nó là cũng có câu chuyện kinh tế báo chí. "80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí thì nay rơi vào tay mạng xã hội. Tức nguồn thu quảng cáo đối với các cơ quan báo chí đã giảm một cách đáng kể", ông nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đã ra một Chỉ thị năm 2023 về truyền thông chính sách, xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí - coi đây là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện kinh tế báo chí. Báo chí cũng phải thay đổi mặt công nghệ, hiện đang kém mạng xã hội về mặt công nghệ, về mặt nội dung thì không nhưng công nghệ thì kém. Có một chiến lược chuyển đổi số báo chí để đưa công nghệ của báo chí tương đương với các nền tảng mạng xã hội.
"Nói như vậy nhưng có lẽ, vấn đề quan trọng nhất vẫn là vấn đề đạo đức người làm nghề. Thực ra, thu nhập của phóng viên các cơ quan báo chí cũng không phải thấp với công chức, viên chức, nhiều cơ quan báo chí có mức thu nhập phóng viên 15-20 triệu, thấp hơn so với doanh nghiệp truyền thông nhưng cao hơn công chức, viên chức. Nhưng, vấn đề đạo đức báo chí trong nhiều năm chúng ta chưa quan tâm, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam xác định trong nhiệm kỳ này tập trung vấn đề đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên báo chí".
Nguồn tin: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn