Trò chuyện với phóng viên về sự kiện lịch sử Cách mạng tháng Tám năm 1945, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cho rằng, cũng có thể tôn gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị “Tổ trung hưng thứ ba” của dân tộc Việt Nam.
PGS.TS Trần Đức Cường giải thích, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự kiện lịch sử rất trọng đại của dân tộc Việt Nam. Từ sự kiện này, PGS.TS Cường so sánh với hai sự kiện lịch sử khác của dân tộc Việt Nam, đó là: Chiến công năm 938 của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đã dẫn tới việc thành lập Triều Ngô, chấm dứt thời kỳ hơn 1.000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc ở nước ta, giành độc lập cho dân tộc; và khởi nghĩa Lam Sơn (1418–1427) - cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược do Lê Lợi (tức Hoàng đế Lê Thái Tổ) lãnh đạo và kết thúc bằng việc giành lại độc lập cho nước Đại Việt cùng với sự thành lập nhà Hậu Lê.
"Nếu như nhà yêu nước Phan Bội Châu đã tôn vinh Ngô Quyền là vị "Tổ trung hưng thứ nhất" của dân tộc Việt Nam, thì tôi nghĩ rằng Lê Lợi đã là vị “Tổ trung hưng thứ hai” vì lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào giải phóng dân tộc vào thế kỷ thứ 15" - PGS.TS Trần Đức Cường phân tích.
Từ việc phân tích trên, vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá, với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đây là lần thứ 3 nước ta xóa bỏ hàng trăm năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, sau đó là quân phiệt Nhật Bản và nước ta giành lại được độc lập dân tộc.
"Trong một chừng mực nào đó, theo tôi nghĩ cũng có thể gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người lãnh đạo tối cao của cách mạng Việt Nam lúc đó thực sự cũng là vị “Tổ trung hưng thứ ba” của dân tộc ta" - PGS.TS Trần Đức Cường nêu quan điểm.
GS.TS Trần Đức Cường đánh giá, có được thành tựu và vị thế của đất nước ta trong công cuộc đổi mới ngày hôm nay là xuất phát bắt đầu từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chính vì thế, việc giáo dục truyền thống cho mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay, đặc biệt cho thế hệ trẻ là điều hết sức quan trọng.
Vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết thêm, trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay, thì vai trò, vị trí của các di tích còn lại của sự kiện lịch sử này là vô cùng quan trọng.
"Ví dụ như chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chúng ta đang tiếp tục làm công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử ở đây. Những di tích liên quan đến Cách mạng tháng Tám, từ An toàn khu - "Thủ đô kháng chiến", Quảng trường Cách mạng tháng Tám, những di tích ở Huế, Sài Gòn,… cần được quan tâm đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa của nó. Chúng ta hay nói, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa và xã hội. Đây chính là việc làm để chúng ta tăng cường việc xây dựng những giá trị văn hóa xã hội trong thời kỳ hiện nay của đất nước" - PGS.TS Trần Đức Cường cho biết.
Tóm tắt diễn biến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945
Lệnh tổng khởi nghĩa: Ngày13/8/1945, khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Đảng họp Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào: Quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc trước khi Đồng minh vào; Lập Ủy ban khởi nghĩa và ngay trong đêm 13/8 ra Quân lệnh số 1: hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.
Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào ngày 16/8/1945: Tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa; Thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; Thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức chính phủ lâm thời sau này) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội: Từ 15/8/1945, lệnh khởi nghĩa về tới Hà Nội, phong trào chuẩn bị khởi nghĩa rất khẩn trương với nhiều hình thức: diễn thuyết, truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi khởi nghĩa xuất hiện khắp nơi; Sáng 19/8/1945, cuộc míttinh lớn ở quảng trường Nhà hát lớn (Hà Nội) do Việt Minh tổ chức đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình do các đơn vị chiến đấu đi đầu, đánh chiếm phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát… Cuộc khởi nghĩa Hà Nội thắng lợi hoàn toàn trong ngày 19/8/1945.
Giành chính quyền trong toàn quốc: Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, có 4 tỉnh lị giành được chính quyền: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam; 23/8/1945: giành chính quyền ở Huế; 25/8/1945: giành chính quyền ở Sài Gòn; Thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã cổ vũ nhân dân toàn quốc vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Trong vòng 15 ngày (14/8/1945 – 28/8/1945), Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước; 2/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời (Ủy ban Dân tộc giải phóng) đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nguyễn Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn