Hôm nay (27/11), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và triển lãm quốc gia Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân (gọi tắt là Tam nông).
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 500 đại biểu tại đầu cầu truyền hình Hà Nội, cùng 50-100 đại biểu tại các đầu cầu mỗi tỉnh, thành phố.
Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về Tam nông, nghe tham luận về thành tựu, thực trạng từ các tỉnh có nền nông nghiệp tiêu biểu và thảo luận những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế.
Báo cáo tóm tắt về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về Tam nông đánh giá, đây là một Nghị quyết toàn diện về Tam nông với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng.
Sau 10 năm triển khai, Nghị quyết đạt nhiều kết quả mang tính đột phá, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia với tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25% năm 2017; tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên mức 27,2% năm 2017.
Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Xuất khẩu ngày càng tăng với một số loại nông sản đã tiến đến việc khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như lúa, gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, cá,…Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008.
Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm.
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng được nhiều sự ủng hộ với 3.060 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả tạo ra 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ là 13,7%, tăng 5,5%.
Đặc biệt, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Trong đó, đã có nhiều HTX kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình.
Năm 2017, cả nước có 11.688 HTX nông nghiệp, 1.154 HTX phi nông nghiệp, 1.183 quỹ tín dụng nông dân vói 4,4 triệu thành viên, 1,58 triệu lao động, tổng tài sản 51.168 tỷ đồng. Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả tăng từ 10% (năm 2012) lên 33% (năm 2017) và phát triển nhiều hình thức liên kết đa dạng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi không muốn nêu thành tích quá nhiều, mà chủ yếu tôi muốn nói những bất cập, tồn tại để chúng ta khắc phục, làm sao tốt hơn trong thời gian tới”.
Thủ tướng nhìn nhận, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục như: Đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp trong khi số dân làm nông nghiệp khá cao; số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số 7.600 doanh nghiệp, trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; việc huy động vốn, tiếp cận các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn cao; việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao; vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức, không đúng quy định trong nông nghiệp, đặc biệt là việc kiểm soát dự lượng kháng sinh, chất cấm.
Thủ tướng cho rằng, phải sớm khắc phục tồn tại, yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay; phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp hội nhập sâu rộng,…
“Thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 phải áp dụng mạnh mẽ vào nông nghiệp như thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh, khi mà gần 70% số dân dùng điện thoại thông minh. Tư duy chậm trễ dẫn tới không có hành động kịp thời, cản trở sự phát triển của đất nước trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn” – Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị để cùng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 hoàn thiện báo cáo tổng kết, đồng thời chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đến năm 2020, giai đoạn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Chính trị xem xét trong tháng 12/2018.
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn