Thảo luận tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, sáng 2/7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu, kiến nghị Chính phủ hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế.
Thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển
Khẳng định, thành phố sẽ quyết tâm trong việc phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội hậu Covid-19 giống như Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch. Từ đó chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như giúp cho các tỉnh để định hướng phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả hơn.
Ông Chung cũng cho biết, thành phố sẽ chuẩn bị từ 10 đến 15 các khu vực để bố trí tất cả các khu bán hàng để mời các tỉnh đưa doanh nghiệp có hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản bán hàng. Toàn bộ chỗ bán hàng sẽ được miễn phí nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt kích cầu tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm thủy, hải sản và rau củ, quả của các tỉnh, thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lãnh đạo Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng cho phép thành phố khai thác lựa chọn, xây dựng các khu đô thị mới, lựa chọn các nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng cũng như phát triển các khu đô thị, tăng tỷ lệ đô thị của thành phố, phấn đấu đến năm 2025 là đạt 60%.
Nhấn mạnh sự phát triển chậm lại của thành phố sẽ ảnh hưởng đến cả nước, vì thế Chủ tịch UBND TPHCMNguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố sẽ quyết tâm cao nhất, điều hành hiệu quả hơn nữa, thay đổi tư duy cách nghĩ, cách làm để phục hồi và phát triển kinh tế.
Ông Phong cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo hai nội dung, như quy định gây khó cho các địa phương trong việc sử dụng vốn đầu tư công.
Xử lý các dự án “hậu” kết luận thanh tra
Là một trong 12 địa phương tăng trưởng kinh tế âm, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố chỉ đạo tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư trong bối cảnh bất động sản đóng băng, chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kích cầu du lịch nội địa, đến nay cơ bản phục hồi.
Ông Thơ đề nghị chính phủ và cơ quan Trung ương quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý với rất nhiều dự án trước đây của thành phố liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ những năm gần đây có tính chất tương tự như những dự án sai phạm trước đây.
“Chúng tôi cũng xem các dự án này là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển thành phố. Nếu thủ tục không được tháo gỡ, không giải quyết thì là điểm nghẽn triển khai các dự án lớn, tạo ra nguồn thu thúc đẩy phát riển kinh tế xã hội của địa phương”, Chủ tịch Đà Nẵng nói.
Ngoài ra, ông Thơ cũng nêu một số kết luận của thanh tra, một số phán quyết của các vụ án hiện nay việc thi hành án rất khó khăn, như sân vận động Chi Lăng đã có phán quyết của toà rất lâu nhưng hiện nay thi hành chưa được do vướng nhiều thủ tục pháp lý, rất nhiều điều kiện thi hành án chưa thể triển khai được.
“Đà Nẵng đã kiến nghị các cơ quan tư pháp có ý kiến với Thủ tướng chỉ đạo giải quyết quyết liệt, giúp thành phố tháo gỡ khó khăn ở các dự án này, xem như nguồn lực để tạo động lực cho thành phố phát triển”, ông Thơ nói.
Được coi là điểm sáng trong phát triển kinh tế trong năm 2020, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, nửa đầu năm nay, địa phương đã khởi công nhiều dự án. Hải Phòng không điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, ông Tùng kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng quy hoạch vùng để thuận lợi liên kết. Cùng với đó Chính phủ nên phân cấp cho các địa phương được chuyển đổi 10ha lúa sang xây dựng, không khống chế diện tích đất lúa đối với những địa phương có khả năng phát triển công nghiệp.
Trong khi đó, ông Lê Quang Mạnh - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, các dự án điện đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Do đó, ông Mạnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có giải pháp để sớm xem xét phê duyệt.
Thủ tướng mong lãnh đạo mới mang lại sức sống mới
Đầu giờ làm việc chiều, thêm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (1 trong 12 tỉnh thành có mức tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2020) phát biểu, trình bày về những khó khăn của địa phương sau những sai phạm bị phát hiện, xử lý, “mất” nhiều cán bộ. Tương tự Chủ tịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ mong muốn Trung ương hỗ trợ để giải quyết dứt điểm những việc hậu xử lý sai phạm để địa phương có thể “bứt” khỏi tình trạng trì trệ, “bất động” vì hậu quả của những vụ việc đã xảy ra.
Trao đổi thêm về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, trong 12 tỉnh thành tăng trưởng âm, có 4-5 tỉnh ở mức rất thấp như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu… cần có chương trình hành động riêng để khắc phục, “đứng dậy”. Thủ tướng lưu ý, không để các địa phương này “rơi quá sâu” vì “để xuống tận đáy thì muốn vực dậy kinh tế trong năm 2020 rất khó khăn”.
Thủ tướng động viên: “Chính phủ mong các địa phương được “thay máu” bộ máy, những lãnh đạo mới như Chủ tịch Khánh Hòa cũng sẽ đầy sức sống mới”.
Thái Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn