Đây là những nhận định được nêu ra tại báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 Chính phủ vừa hoàn thành và gửi đến Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 6 sẽ bắt đầu ít ngày tới.
(Ảnh minh hoạ: Ngọc Diệp)
Xử lý người đứng đầu cơ quan có tham nhũng: Bộ nào nhiều nhất?
Báo cáo khái quát, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phòng, chống tham nhũng (đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt.
Trong phòng ngừa, Chính phủ nêu một số kết quả. Như qua việc xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm (năm 2016 phát hiện 5 trường hợp vi phạm). Đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp.
Năm 2018, đã có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng.
Từ báo cáo của các bộ, ngành, các tỉnh thành và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan cho thấy, năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách (năm 2018 tăng 17 người so với năm 2017, năm 2017 tăng 28 người so với năm 2016).
Những người bị xử lý ở Bộ Tài chính là 19 người, Bộ Công an 2 người, An Giang 1 người, Hậu Giang 3 người, Cần Thơ 2 người và nhiều tỉnh khác có từ 1 - 5 người.
Về phát hiện và xử lý, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng (giảm 43,2% số vụ). Cơ quan điều tra của lực lượng công an đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng.
Toà án đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5% (giảm 8,2% so với cùng kỳ). Đã tuyên phạt 9 án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017)(. Số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 21,8% (tăng 6,1% so với cùng kỳ).
Thiếu kiên quyết trong việc thay thế cán bộ có biểu hiện tiêu cực
Về mặt tồn tại, Chính phủ cho rằng, công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp cũng được nêu như một hạn chế.
Ngoài ra, theo Chính phủ, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.
Dự báo của Chính phủ là trong thời gian tới, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và thuyên giảm. Công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Tuy vậy, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn